Bong da

Lăng kính: Từ chuyện M.U mất cân bằng công-thủ...

Cập nhật: 20/08/2012 09:10 | 0

Với Rooney, Nani, Welbeck, Chicharito, Young và nay là Van Persie, M.U đã có được hàng công cực kỳ vững mạnh. Nhưng vẫn còn đó nỗi lo hàng thủ. Và từ nỗi lo ấy, có thể luận ra vấn đề nhức nhối của cả nền bóng đá

Lăng kính: Từ chuyện M.U mất cân bằng công-thủ...
Lăng kính: Từ chuyện M.U mất cân bằng công-thủ...
1. Với Rooney, Nani, Welbeck, Chicharito, Young và nay là Van Persie, M.U đã có được hàng công cực kỳ vững mạnh, điều mà Fergie mong mỏi bấy lâu. Tái hiện lại hình ảnh hùng mạnh một thời với cặp đôi Cole-Yorke; Van Nistelrooy-Rooney và Tevez-Rooney là khát vọng cháy bỏng của những người yêu màu áo đỏ. Và Van Persie hứa hẹn sẽ mang lại một hàng công mạnh như thế, một hàng công đủ sức chinh phục Premier League và cả Champions League.

Nhưng bóng đá cũng như cuộc sống, người ta không chỉ có công mà quên thủ. Nỗi lo của Fergie chính là hàng thủ. Phải thừa nhận một điều rất thực tế rằng, hàng thủ của M.U có một khoảng cách lớn về trình độ so với hàng công. Ngoại trừ Vidic, hàng thủ M.U không có cầu thủ đẳng cấp thế giới như hàng công của họ. Evra, Ferdinand thì đã già trong khi những Smalling, Jones và Evans thì chưa trưởng thành. Có  thể nói, M.U đang mất cân bằng thực sự.

Đó không phải là sự bi quan thái quá dành cho họ mà là một thực tế đã được cảnh báo nhiều lần. Thực tế ấy thể hiện qua số bàn thua tăng vọt của M.U trong 2 mùa bóng vừa qua. Tổng số bàn thua của mùa 2010/11 và 2011/12 của M.U là 70 bàn trong khi tổng số bàn thua của 2 mùa 2008/09 và 2009/10 chỉ là 52 mà thôi.

2.Từ chuyện mất cân bằng giữa công và thủ của M.U, nhìn rộng ra về sự mất cân bằng của Premier League ta sẽ thấy có những tương đồng nhất định. Nếu coi việc trả lương cầu thủ để thu hút ngôi sao nhằm biến Premier League, trở thành giải đấu có tính truyền thông số một thì Premier League không có đối thủ. Lương ở giải đấu này tăng chóng mặt khiến mức 200.000 bảng/tuần cho một ngôi sao đã trở nên quá bình thường. Sự phát triển ấy như thể “hàng công” của Premier League. Nó không khác gì con bạch tuộc vươn vòi ra khắp nơi và khiến các đối thủ cạnh tranh như Liga, Serie A, Ligue 1 hay Bundesliga phải e ngại. Nhưng “hàng thủ” của bóng đá Anh thì lại không mạnh như thế. Nó thủng lỗ chỗ bởi vì nó cách xa đẳng cấp của hàng công quá.

Con số mới đây trên chuyên trang tài chính của tờ Daily Express của Anh không khỏi khiến người Anh giật mình. Tổng số tiền chi cho TTCN mùa Hè 2012 chỉ đạt mức 260 triệu bảng trong khi con số ấy ở mùa Hè trước là 480 triệu bảng. Và vụ mua Van Persie đã được coi là đình đám lắm rồi. Nguyên nhân? Các ngân hàng, tức “hàng thủ” của bóng đá Anh, đã không còn mặn mà với ngành công nghiệp bóng đá nữa.

Graham Shear, luật sư thể thao của hãng Berwin Leighton Paisner, cho biết: “Khả năng thanh toán chuyển nhượng của các CLB đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi các ngân hàng đã giảm đầu tư tài chính cho ngành công nghiệp bóng đá, ngành vốn dĩ rất nhạy cảm về khả năng thanh khoản”.

3. Rõ ràng, sự mất cân bằng trong cán cân thu-chi của bóng đá Anh là rất lớn. Các CLB giàu thương hiệu vẫn kiếm cực nhiều tiền từ hoạt động thương mại nhưng nó chỉ là muối bỏ bể so với nguồn chi quá lớn của họ cho việc “tấn công” TTCN bằng giá mua cầu thủ và chạy đua về lương. Sự mất cân bằng ấy chắc chắn sẽ gây hậu quả lâu dài mà cụ thể nhất, TTCN ở Anh sẽ còn đóng băng vài năm tới.

Nhưng các cầu thủ thì chẳng bao giờ cần biết đến điều đó. Nếu Arsenal có thể trả 200.000 bảng/tuần thì Van Persie chắc không sang M.U làm gì và Nasri, Clichy giờ này chắc vẫn là Pháo thủ. Chỉ có những ông chủ là phải đau đầu mà thôi.

Đơn giản, chỉ mình họ gọi Premier League là ngành công nghiệp bóng đá. Còn những HLV như Fergie, Mancini thì luôn coi đó là cuộc chiến, nơi mà họ chỉ sẵn sàng nghĩ đến hai chữ “tấn công”…

Nguồn bongdaplus.vn