Lăng kính: Sự bất công mang tên công bằng
Từ đâu ra sự khác biệt? Bạn có thể chỉ vào Sergio Aguero, David Silva, Yaya Toure, Edin Dzeko hoặc HLV Manuel Pellegrini, tùy ý. Nhưng dứt khoát có một điểm chung: đấy là từ sức mạnh tài chính của “ông chủ” mới - Tập đoàn Abu Dhabi United Group, chỉ vừa tiếp quản Man City hồi năm 2008. Man City không phải trường hợp đầu tiên, cũng chẳng phải cuối cùng, bỗng vươn mình trở thành đội mạnh trong bóng đá đỉnh cao nhờ có rất nhiều tiền để mua sắm ngôi sao.
Nhưng tiền bạc không giải quyết được mọi chuyện. Trong bóng đá, còn có truyền thống, có danh tiếng, có niềm tự hào được vun đắp qua bao thế hệ cổ động viên nữa. Đại khái, chưa chắc Man City đã được xem là “thương hiệu lớn” dù họ vô địch Premier League 2 lần trong 3 mùa bóng. Liverpool mới là một “thương hiệu lớn”, dù đội này chưa hề vô địch nước Anh trong kỷ nguyên Premier League.
Vì cái vấn đề “thương hiệu” vừa nêu, các ngôi sao như Aguero, Silva, Dzeko, Toure hoặc HLV giỏi như Pellegrini sẽ không chọn Man City nếu họ không được mời chào mức lương thật cao. Hệ quả tất yếu: các đội bóng lớn sẽ dễ dàng thống trị mãi, giàu mãi, “thương hiệu” sẽ nổi tiếng mãi. Bây giờ, Man City đi theo con đường hợp lý mà Chelsea của tỷ phú Roman Abramovich đã chọn: chấp nhận thiệt thòi, phải chi tiền nhiều hơn đối thủ cạnh tranh để có thành công. Đấy là quy luật tất yếu, là lẽ tự nhiên, là sự công bằng.
Xin nhắc lại: muốn thành công trong bóng đá đỉnh cao thì phải có tiền, nhưng nếu chỉ có tiền thì cũng chưa chắc đảm bảo thành công. Man City vẫn chưa thể thành công ở trận địa nghiệt ngã Champions League là vì vậy. Chelsea chỉ có được ngôi vô địch Champions League gần chục năm sau khi Abramovich xuất hiện. Ngoài chuyện phải chi bao nhiêu tiền, họ còn phải trải qua biết bao nhiêu thất bại cay đắng để có thêm kinh nghiệm, tích lũy bản lĩnh. Đâu phải dễ. Còn nếu các đội như Chelsea hoặc Man City không chịu “rải tiền”, càng dễ nhận định: với họ, danh hiệu vô địch Champions League sẽ mãi là một giấc mơ.
Bây giờ, Man City đang chờ đến hai điều quan trọng trước mắt chứ không phải một. Thứ nhất, họ sẽ chờ đến Chủ nhật để ra sân, thắng West Ham, và nâng cao chiếc cúp vô địch Premier League (thậm chí không cần đá vẫn vô địch nếu Liverpool không thắng Newcastle). Thứ hai, Man City đang chờ nộp phạt 50 triệu bảng đồng thời nghe những phán quyết sau cùng của UEFA về cái tội... chi quá nhiều tiền để xây dựng lực lượng. Vụ này vẫn chưa ngã ngũ, nhưng chắc chắn Man City không thoát khỏi các hình phạt. Mất tiền đã đành, Man City còn phải cắt bớt danh sách đội bóng nếu muốn tham gia các cuộc chơi quan trọng của UEFA (dự Champions League chẳng hạn).
Quy định công bằng tài chính của UEFA (mà Man City đang vi phạm) có nội dung đại khái là một CLB kiếm được bao nhiêu tiền thì chỉ được chi ra ngần ấy để mua sắm lực lượng. Tên gọi thì hay, nhưng nó lại quá bất công. Đội bóng nhỏ, đã thua kém về danh tiếng, truyền thống, nếu không được chi nhiều hơn thì cạnh tranh với các đối thủ giàu mạnh như thế nào? Quá phi lý!