Bong da

BONG-DA-ANH

Lăng kính: Quyền lực của một tượng đài

Cập nhật: 08/01/2012 10:15 | 0

Người ta nói "khôn chưa đến trẻ". Roberto Mancini có thể tương đồng Sir Alex Ferguson ở đâu đó, nhưng có lẽ ông còn phải học Fergie rất nhiều…




1. Wenger, Mourinho, Ferguson và Mancini đều có một điểm chung rất lớn trong phương pháp điều hành đội bóng. Đó là sự quyết liệt đến mức nhiều khi thô bạo. Họ cùng xây dựng đội bóng trên tinh thần “thống nhất mệnh lệnh” và quyền lực tối thượng tập trung vào tay HLV.

Cách làm đó của họ có thể sẽ mang lại những phản ứng từ cầu thủ hay trợ lý nhưng nó giúp CLB có được sự ổn định. Vụ Mancini xử Tevez khiến người ta nhớ đến chiếc giày bay của Fergie, nhớ đến cách ông cương quyết không ký tiếp hợp đồng với Cantona và bán Becks rồi CR7 không chút tiếc rẻ. Họ cùng muốn xây dựng CLB dựa trên nền tảng tập thể chứ không phải dựa trên một cá nhân “ông sao”.

Tuy nhiên, Wenger và Fergie tạo dựng đế chế theo cách khác với Mancini hay Mourinho. Họ giữ mối quan hệ hòa nhã với giới chức CLB, tương đồng hoá kế hoạch của giới chủ với kế hoạch riêng và chấp nhận xây dựng đội bóng trong điều kiện cho phép mà không đòi hỏi. Ở M.U hay ở Arsenal, mối liên hệ giữa HLV với các giám đốc là ôn hoà và tương hỗ nhau. Uy tín chồng thêm uy tín là nhờ chính điều đó mà điển hình là hình ảnh bất khả xâm phạm của Fergie ở Old Trafford.

2. Sau chức vô địch FA Cup, Mancini thành nhân vật quyền lực ở Man City. Ít ai ngờ, một HLV trẻ như Mancini, sang Anh khi tiếng Anh còn chưa thành thạo lại có thể được trao nhiều quyền lực đến thế. Đơn giản, Mancini khôn ngoan khi rất thân với chủ tịch CLB Khandoon al-Moubarak; với ông chủ Sheikh Mansour và với cả hoàng tộc ở Abu Dhabi. Chính vì thế, GĐĐH Gary Cook không dám chống lại ý chí của ông. Mối quan hệ giữa hai người không tốt nhưng “cái dù” của Mancini lớn thế, Cook nào dám ngáng chân.

Chuyện về mối quan hệ khôn khéo của Mancini khiến người ta nhớ đến Mourinho ngày nào. Mourinho sai lầm khi để mối quan hệ với Abramovich bị đổ vỡ. Và vì thế, chỉ cần một vài động thái, John Terry cũng đủ đẩy bật ông khỏi Stamford Bridge. Sự chủ quan của Mourinho ngày xưa có thể là bài học kinh nghiệm rất lớn cho Mancini hôm nay. Trên đỉnh cao, người ta dễ ngạo nghễ và đã dễ ngạo nghễ thì cũng dễ ngã rất đau.

3. Việc thắng M.U lần nữa sẽ củng cố cho uy tín của Mancini rất nhiều, nhưng đó cũng là lúc ông dễ mắc bẫy. Sau đỉnh cao này còn đỉnh cao khác cao hơn, mà cụ thể là Champions League. Mourinho nếu đoạt được Champions League với Chelsea thì chắc ông đã không dễ mất điểm như thế. Và những ông chủ Ả-rập của Mancini chắc cũng không kiên nhẫn hơn Abramovich là mấy.

Người Anh hôm nay nhìn vào cặp đối trọng Mancini - Fergie với hai suy nghĩ. Thứ nhất, giá như Fergie trẻ lại hai chục tuổi và thứ nhì, Mancini có những nét tương đồng với Fergie trong huấn luyện và quản quân. Họ cho rằng Mancini chính là Fergie của Man City. Suy nghĩ ấy, xem ra có lý nhưng xét cho cùng, khá nực cười.

M.U không thể sa thải Fergie nếu ông thất bại ở mùa bóng này. Bởi ông là một thương hiệu mà họ rất cần và hơn nữa, ông cũng mang lại cho họ đủ chức vô địch rồi. Còn Mancini thì chưa có điều đó, kể cả danh hiệu lẫn thương hiệu cá nhân. Thế nên, cái khôn của Mancini trong các mối quan hệ ở CLB chỉ là cái khôn để dùng tạm thời. Cái khôn của Fergie mới là cái khôn lâu dài và bền vững hơn nhiều.

Khôn chưa đến trẻ, Mancini có thể tương đồng Fergie ở đâu đó, nhưng có lẽ ông còn phải học Fergie nhiều…

Bongdaplus.vn