Lăng kính: Những quý ông người Anh
1. Cho đến tháng 11/1872, thì những người Anh không bao giờ chuyền bóng cho nhau. Họ cho rằng đó là một hành vi không cao quý, và một quý ông người Anh sau khi cướp được bóng từ chân đối phương nên cố gắng đi quả bóng từ đầu sân tới cuối sân để rồi dứt điểm ghi bàn. Khi dứt điểm không thành công, lại đến lượt một ai đó của đội kia cầm bóng chạy hì hục, những “quy trình một người” cứ lặp đi lặp lại liên tục.
Người Scotland đã nghĩ ra cái hình thức mang tên là “chuyền bóng” ấy, và dạy cho nước Anh, tức là quê hương của bóng đá, trong trận giao hữu đầu tiên giữa 2 đội, diễn ra vào ngày 30/11/1872.
Chuyện ấy đúng là một ví dụ hay cho tính cách lịch thiệp và phong nhã đã trở thành một thương hiệu của dân tộc Anh. Chắc chỉ có người Anh mới tạo ra được một nhân vật có phong thái như 007, lúc nào cũng đầy cốt cách và phong độ giữa biển lửa, chỉnh lại vạt áo vest sau khi thong thả bước đi, phía sau có một quả bom phát nổ.
Bây giờ thì người Anh đã chơi bóng như bất kỳ dân tộc nào khác, nghĩa là họ cũng chuyền bóng cho nhau. Nhưng trong cách làm bóng đá, mỗi CLB vẫn chơi như thời cha ông họ: ai cầm quả bóng của người nấy, ghi bàn thắng của riêng mình.
2. Man United, Chelsea, Arsenal và Liverpool không thích làm ăn với nhau. Đặc biệt là giữa Man United và phần còn lại. Khi đặt vấn đề làm ăn giữa họ, thì một cơn dị ứng nổi lên bất chấp là việc ấy có ích hay có hại.
Năm 2007, khi hậu vệ Gabriel Heinze, lúc đó đang thuộc biên chế Man United, tha thiết muốn được đầu quân cho Liverpool, HLV Ferguson lên báo nói thẳng: “Tôi có thể đảm bảo với các anh, Heinze sẽ không đến Liverpool. Chuyện coi như xong” (nguyên văn: put that to bed right now – dịch nghĩa đen là cho câu chuyện này lên giường, cho nó ngủ).
Suốt từ thời Premier League ra đời đến nay, số những vụ chuyển nhượng trực tiếp giữa các đội bóng lớn ở Anh đếm trên đầu ngón tay.
Man United và Liverpool không làm ăn với nhau một lần nào. Trước khi Robin van Persie cập bến Man United, trong cái thế mà tất cả đều biết rằng Arsenal chẳng còn tiếng nói gì nữa rồi, thì 2 đội này mới làm ăn với nhau một lần, đó là khi M.U bán Silvestre cho Arsenal năm 2008. Tương tự, lần duy nhất M.U làm ăn với Man City là từ năm 1996, khi họ mua Tony Coton. Carlos Tevez thực ra đã ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do, vì chủ sở hữu anh là bên thứ 3. Cứ nhìn cái cách Man City chăng biển trêu ngươi và cách HLV Ferguson hằn học đáp lại, sau vụ Tevez, thì biết rằng họ bắt tay nhau khó tới mức nào.
Mối quan hệ giữa Chelsea và M.U có vẻ dễ chịu nhất. Họ đã làm ăn với nhau 3 lần, đều là M.U bán người cho Chelsea, trong đó có Veron và Mark Hughes.
3. Thù địch trong bóng đá chỉ lý giải được một phần mối quan hệ này. Trong cùng quãng thời gian từ khi Premier League thành lập, Bayern đã 4 lần giao dịch với Dortmund, 8 lần buôn bán với Leverkusen.
Riêng Milan và Inter thì mua bán như thể họ yêu nhau, với 18 vụ chuyển nhượng giữa đôi bên trong 20 năm qua. Cùng thời gian đó, Milan và Juventus cũng có 9 vụ chuyển nhượng. Người Italia có vẻ rất rạch ròi tình và tiền. Cần nhớ rằng ngoài sân cỏ, họ là những người biểu hiện lòng thù hận một cách nhiệt thành nhất.
Những vụ chuyển nhượng như thế, đặc biệt là nếu có một CLB ở thế “cửa trên”, có thể phân phối tiền cho các CLB khác như trường hợp của Bayern và M.U, sẽ rất tốt cho việc phát triển giải VĐQG.
Nhưng có vẻ như người Anh có những phẩm chất riêng cần phải giữ gìn. Và có lẽ cũng nên coi đấy là một phần của văn hóa bóng đá, một nét đẹp, tùy vào quan điểm của mỗi người.