Bong da

Lăng kính: Nhân dạng nhà vô địch

Cập nhật: 01/09/2012 10:00 | 0

Giữa tuần này, trong khi cả châu Âu rộn ràng với những nước cờ cuối trên TTCN, khi người ta mải tranh luận về danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu của Iniesta, khi Chelsea và Atletico tranh Siêu Cúp châu Âu, có một sự kiện diễn ra khá lặng lẽ: loạt đấu thứ hai của vòng bảng NextGen Series.

Lăng kính: Nhân dạng  nhà vô địch
Lăng kính: Nhân dạng nhà vô địch

1. NextGen Series, với tên gọi mang nghĩa là “next generation” - “thế hệ tiếp theo”, là một giải đấu có thể thức giống với Champions League, nhưng dành riêng cho lứa U19 của các CLB châu Âu. Chính nhờ việc vô địch NextGen cùng đội trẻ Inter vào năm ngoái, thắng Ajax ở chung kết trong chính ngày Ranieri bị sa thải, mà HLV Andrea Stramaccioni được giao phó trọng trách dẫn dắt đội 1 Inter.

Loạt đấu thứ hai của vòng bảng NextGen 2012/13 đáng chú ý, bởi ở đó có cuộc đối đầu giữa đội trẻ của hai CLB giàu nhất thế giới hiện nay, chí ít là qua cách họ tiêu tiền: Man City và PSG.

Ngay trên sân Etihad, trước sự chứng kiến của HLV trưởng Roberto Mancini, đội U19 Man City do Attilio Lombardo dẫn dắt đã để thua PSG 0-2. Cần phải nói thêm, đội U19 Man City cũng được xây dựng theo cùng cách các ông chủ Ả-rập xây dựng đội 1. Trên sân Etihad ngày thứ Năm vừa qua, là những Denis Suarez, Marcos Lopes, đều có giá cả triệu euro từ khi chưa đủ tuổi làm hộ chiếu, được Man City mua về trong sự thèm khát của Chelsea và Barca.

2.PSG và Man City bây giờ đều “mang tiếng” là những kẻ dùng tiền mua thành công. Họ đều nổi tiếng vì những vụ chuyển nhượng bom tấn. Nhưng cái trận đấu của đội trẻ kia, hay chính xác là kết quả của nó, khiến người ta phải nhớ đến một sự khác biệt cơ bản: PSG vẫn có nền tảng tốt hơn.

Người Pháp đã nổi tiếng từ lâu vì hệ thống đào tạo bài bản. PSG không phải “lò” nổi tiếng nhất, nhưng cũng tạo ra những cái tên khiến nhiều người nể phục. Anelka, Luis Fernandez, Sakho hay Cana đều đi ra từ đây. LĐBĐ Pháp coi họ là một trong những “lò” quy củ nhất nước này, từ thời họ còn chưa có ông chủ Ả-rập nào.

Man City xây mới toàn bộ. Lãnh đạo học viện Attilio Lombardo cũng là một người mới, theo chân Mancini từ Italia sang 2 năm về trước. Họ cố đẩy nhanh tốc độ bằng tiền, với việc mua về những thần đồng giá cao.

Nhưng NextGen Series năm ngoái, Man City tham dự mà không có một điểm nào sau 6 trận. Thua “lò” của Barca hay Marseille là chuyện đương nhiên, Man City thua cả lứa trẻ của Celtic, CLB vốn đang sống trong cảnh nghèo khó.

Lại một lần nữa người ta nhận ra rằng, nhà vô địch nước Anh vẫn chưa thể chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân dạng. Họ là ai? Không phải kẻ nổi loạn nữa. Cũng chưa thể thành một CLB lớn. Tính cách bóng đá của Man City là gì? Tấn công? Phòng ngự? Nhanh? Chậm? Không ai biết. Mancini cũng không biết.

3.Ở những lò đào tạo hàng đầu châu Âu, những đứa trẻ được đào tạo theo đúng tính cách của CLB.

Chính xác hơn là yêu cầu của tương lai. Ở Barca, trẻ con được tuyển không căn cứ vào thể hình, mà vào độ khéo của đôi chân. Ở Bayern Munich, cho đến tận năm 15 tuổi, các học viên phải học chơi mọi vị trí trên sân: nước Đức muốn có các cầu thủ công thủ toàn diện như Schweinsteiger và Lahm.

Man City muốn một thứ bóng đá thế nào? Họ chưa thể định hình tính cách. Thứ duy nhất họ biết mình muốn là danh hiệu. Còn một kế hoạch dài lâu, một “nhân dạng” cho CLB, thì họ chưa thể nghĩ đến.
Thất bại của lứa U19 chỉ là một hình ảnh phản chiếu cho toàn bộ “nhân dạng” của Man City. Họ đã, đang và sẽ là một CLB như thế nào?

Nguồn bongdaplus.vn