Bong da

Anh

Lăng kính: Năng nhặt thì hỏng bị

Cập nhật: 23/05/2013 07:05 | 0

Người xưa dạy rằng “Năng nhặt thì chặt bị”, hay nói ngược lại là “Tay quai thì miệng trễ”, để tôn vinh sự chăm chỉ trong lao động. Điều đó không sai. Nhưng khoa học hiện đại đã chứng minh rằng sự chăm chỉ thái quá có thể khiến con người nghèo đi.

Lăng kính: Năng nhặt thì  hỏng bị
Lăng kính: Năng nhặt thì hỏng bị

1. Đầu năm ngoái, các nhà khoa học Mỹ mời 112 sinh viên đến tham dự một thí nghiệm. Họ sẽ phải đưa ra các đề xuất về giải pháp phục vụ một nhóm khách hàng đang đứng chờ ở quầy thu ngân.

Một nửa trong số này được bố trí bắt tay ngay vào công việc. Nửa còn lại, được các nhà khoa học yêu cầu… chơi một trò chơi điện tử vô bổ không liên quan gì đến công việc trong vòng vài phút trước khi bắt đầu.

Kết quả: 20% số giải pháp của các bạn bắt tay luôn vào việc có hiệu quả. Trong khi đó, số ngồi nhẩn nha chơi điện tử có 55% giải pháp phù hợp. Tức là những người có một quãng “phân tâm” so với công việc chính làm việc hiệu quả gấp đôi những người làm việc liên tục.

2. Chính việc ảnh hưởng lên cách hoạt động của não bộ mới là kết quả quan trọng nhất của việc nghỉ ngơi.

Cứ cho rằng thể chất của mỗi người một khác, và 7.000 km di chuyển bằng máy bay, một trận đấu giao hữu chủ yếu đi bộ trên sân không thể khiến các “siêu nhân” bóng đá suy kiệt thể lực. Người ta vẫn thấy họ chạy như điên hàng chục năm, cả mùa Đông cũng như mùa Hè.


Đã đến lúc Premier League nên nghĩ về những kỳ nghỉ theo đúng nghĩa của nó, nhân danh khoa học.

Nhưng bóng đá không chỉ nằm ở những bước chạy. Nó còn là câu chuyện của những tính toán đầu óc. Và sẽ không sai nếu nói rằng: những trận giao hữu mùa Hè khiến cầu thủ… bớt khôn đi. Họ có thể chạy ít, nhưng thậm chí còn hoạt động đầu óc nhiều hơn, trong tư cách một cỗ máy marketing ở Đông Á hay Bắc Mỹ.

Người ta có xu hướng sử dụng cụm từ “vắt kiệt thể lực” để nói về những trận giao hữu mùa Hè. Nhưng vấn đề ở đây có thể là “vắt kiệt đầu óc”. Premier League không chạy ít hơn, chạy chậm đi, nhưng về chiến thuật thì họ đang tụt lại so với những kẻ không “năng nhặt”.

Đặc biệt là nếu đem so với Bundesliga, giải đấu phè phỡn bậc nhất châu Âu, với một kỳ nghỉ Đông rất dài, thì tư duy chiến thuật của bóng đá Anh đang ngày càng tỏ ra bế tắc. Cầu thủ Anh ngày càng trở nên khô cứng và thiếu đi sự tinh tế.

3. Trận đấu giao hữu “điên rồ” giữa Man City và Chelsea không biết sẽ mang lại cho 2 CLB này bao nhiêu tiền và nâng tầm giá trị thương hiệu trên đất Mỹ như thế nào, nhưng trước mắt, nó khiến cầu thủ của họ mệt mỏi. Mệt về tinh thần và mệt về thể chất.

Tỷ lệ số đường chuyền chính xác của Bayern Munich và Dortmund tại Champions League mùa giải năm nay là 86%. Trong khi tỷ lệ chuyền bóng chính xác của 4 CLB Anh tại đấu trường này chỉ là 81%.

Đó chỉ là ở cấp độ CLB. Lần gần nhất Anh gặp Đức ở World Cup 2010, số đường chuyền chính xác của Tam sư bằng đúng một nửa đối phương.

Sẽ có người hỏi rằng nếu việc nghỉ ngơi quyết định thành công thì tại sao bóng đá Anh vẫn thống trị châu Âu một thời gian dài, còn bóng đá Đức thì mới trở lại trong thời gian gần đây?

Vấn đề nằm ở 2 chữ: Hiệu quả. Bóng đá Anh đang sở hữu những ngôi sao đắt tiền nhất, nhận lương cao nhất thế giới. Họ đá hay là lẽ đương nhiên. Nhưng nếu so sánh với giải đấu hà tiện Bundesliga, thì câu hỏi là những ngôi sao ấy đã được sử dụng tối ưu chưa?

Đã đến lúc Premier League nên nghĩ về những kỳ nghỉ theo đúng nghĩa của nó, nhân danh khoa học.

Nguồn bongdaplus.vn