Lăng kính: Một cơn khát lâu năm
1. Hãy đọc những trích đoạn sau đây về đội tuyển Anh, được viết sau khi họ không thể vượt qua vòng loại của một giải đấu lớn:
“Họ chạy theo một thứ chủ nghĩa thô bạo vốn hoàn toàn nhầm lẫn giữa sức mạnh và kỹ thuật, khiến cho ở các cấp độ đào tạo trẻ, họ chẳng phân biệt nổi tài năng và năng lượng nữa”.
Một phát biểu khác, cũng được viết sau một thất bại của đội tuyển Anh: “Điều cần nhất đối với cầu thủ Anh bây giờ là kỹ thuật. Kỹ thuật rê dắt, di chuyển, khả năng tung ra một đường chuyền, nhưng bạn không thể thấy điều đó trong cách người Anh chơi bóng”.
Trích đoạn đầu tiên được viết trên tờ New York Times năm 1993, sau khi đội tuyển Anh không thể vượt qua vòng loại World Cup 1994. Phát biểu thứ 2 là của HLV Carlos Alberto năm 2008, sau khi đội tuyển Anh không thể vượt qua vòng loại EURO 2008.
15 năm, không có một chút thay đổi nào. Dù nhận thức rõ ràng rằng mình đang thiếu thứ gì, người Anh vẫn không thể tự sản sinh ra điều đó. Có lẽ là 20 hoặc 30 năm sau bài viết trên New York Times, mọi thứ cũng chẳng thay đổi được.
2. Sự thiếu thốn vĩnh viễn ấy tạo ra một cơn khát điên cuồng: trong một thập kỷ qua, Premier League bắt đầu tìm cách nhập về những cầu thủ kỹ thuật nhất của bóng đá thế giới.
Họ không chơi thứ bóng dài, bám biên lật cánh truyền thống nữa. Lực đẩy từ các HLV nước ngoài, từ sức ép của các ông chủ đến tham vọng bá chủ thị trường giải trí của Premier League, khiến họ muốn trở thành một giải VĐQG có nhiều chất kỹ thuật nhất.
Premier League giờ tràn ngập mẫu cầu thủ chơi kỹ thuật như Aguero
Bởi Premier League hành xử như thế, nên nó thường xuyên lâm vào cảnh mất cân bằng. Thậm chí bây giờ tìm ra một tiền đạo kiểu Anh, biết chọn vị trí để đánh đầu, một tiền vệ kiểu Anh, biết lật những quả tạt chính xác từ biên vào, ở Premier League bây giờ cũng thấy hiếm. Toàn thấy tiền đạo cầm bóng chạy như sóc, tiền vệ di chuyển khắp mặt sân, lên công về thủ.
Trong vài năm gần đây, ông trọc phú không có “phông văn hóa” Premier League bắt đầu vung tiền để đuổi theo một thứ mốt thời thượng mới. Đó là lối chơi tấn công với một hàng tiền vệ năng động, do người Đức và người Tây Ban Nha khởi xướng.
Về cơ bản, xu hướng bây giờ là các tiền vệ, vốn có kỹ thuật rất toàn diện, có thể tham gia vào hầu hết các khâu của tấn công, từ bài trí các đợt tấn công, xâm nhập vào vòng cấm cho đến trực tiếp dứt điểm.
Xu hướng ấy rất thịnh. Nên Premier League nhập “hàng” về càng nhiều càng tốt. Nhiều tới mức họ có thể lâm vào khủng hoảng thừa.
3. Hãy cứ nhìn Chelsea với non 100 triệu bảng để mua tiền vệ tấn công trong mùa trước, không cách nào dùng hết, mùa này lại tiếp tục rước về Schuerrle. Hãy cứ nhìn Man City với đội hình lúc nào cũng thừa mứa nhưng giờ đã có thêm Navas và Fernandinho.
Nếu không phải là chạy theo mốt thì không còn cách nào lý giải cách làm bóng đá ấy nữa. Và người ta hoàn toàn có quyền nghĩ đến hình ảnh một lão phú hộ ở quê lên, không một mẩu văn hóa, chạy theo bất cứ món đồ cao cấp nào lão ta thấy trên thị trường.
Giá mà lão ta có một chút cá tính riêng, thì có thể mọi thứ đã khác. Nhưng hãy đọc lại đoạn 1: than ôi, lão ta nhiều tiền nhưng vẫn nghèo thật là nghèo.