Bong da

Anh

Lăng Kính: May mà M.U thua!

Cập nhật: 24/01/2014 11:00 | 0

Khi năng lực của bạn không xứng đáng với thành công, thì thứ may mắn nhất mà định mệnh có thể dành cho bạn, chính là thất bại. Sẽ là đại họa cho những người không xứng đáng thành công nhưng vẫn thành công: họ sẽ chẳng biết mình là ai, đang đứng ở đâu, và cái giá phải trả trong tương lai sẽ vô cùng lớn.

Lăng Kính: May mà M.U thua!
Lăng Kính: May mà M.U thua!
1. Lịch sử bóng đá từng chứng kiến nhiều CLB “sống mòn” vì họ vẫn có được chút vinh quang nhỏ để “cầm hơi” mà không hề nhận ra rằng mình đã sa sút.

Hãy nhìn Bayern Munich như một ví dụ tiêu biểu: đội bóng ấy, sau chức vô địch Champions League 2001 đã trải qua một quá trình sa sút rất dài. Nhưng lãnh đạo của họ, Uli Hoeness - dù luôn được mệnh danh là vị chủ tịch tài năng nhất bóng đá châu Âu - cũng không hề có ý định cải tổ.

Đơn giản là bởi Bayern vẫn vô địch Bundesliga, vẫn qua được vòng bảng Champions League. Những thành tích cơ bản và thật ra là hoàn toàn vô nghĩa lý ở vị thế của Bayern, cho phép họ hài lòng. Họ thuê về Felix Magath, một HLV không gây dựng được thêm chút gì từ nền tảng đã có, và để ông ta tại vị gần 3 năm vì Bayern vẫn vô địch nước Đức.

Đến khi mọi thứ sụp đổ, Bayern mất cả suất dự Champions League sau mùa giải 2005/06, Magath mới bị đuổi. Để so sánh thì có lẽ việc Bayern xếp thứ 4 tại Đức chắc không kém tủi hổ hơn việc M.U xếp thứ 7 tại Anh. Và hãy xem lúc đó Bayern có gì: phần lớn các trụ cột của họ vẫn là những tên tuổi già cỗi như Kahn, Salihamizic, Scholl, Sagnol; chỉ bổ sung vài “ngôi sao xẹt” kiểu Demichelis, Karimi, Santa Cruz và bệnh-nhân-Hargreaves...

Uli Hoeness luôn được mệnh danh là vị chủ tịch tài năng nhất bóng đá châu Âu 

Quá trình xây dựng lại sau đó mất 3 năm, rất tốn kém, và rất may là ở Munich người ta có một lò đào tạo sản sinh ra được Lahm và Schweinsteiger để cứu rỗi một thế hệ.

2. Uli Hoeness nói rằng Bundesliga với Bayern là bánh mỳ. Chính bởi vì có bánh mỳ cầm hơi nên họ để cho mình tự tụt lại, bị hại bởi sự tự hài lòng.

Arsenal có thể xếp vào một dạng “chết vì vẫn thành công”? Rất có thể, việc vẫn có mặt trong Top 4 nhiều năm qua dường như đã che giấu đi sự thật rằng đội bóng này liên tục tụt hậu so với chính họ, lờ đi rất nhiều bi kịch hiển hiện. Cho tới mãi gần đây thì mọi thứ mới đi quá giới hạn và thay đổi diễn ra.

Và nếu David Moyes, tiếp quản một đội hình cằn cỗi từ Sir Alex Ferguson, giờ phút này vẫn có tên trong cuộc đua đến chức vô địch, thì có lẽ với tính cách của ông chủ Malcom Glazer, còn lâu M.U mới có những đầu tư mạnh mẽ.

Nhưng rất may cho M.U, là cái đội hình của họ, với chỉ hai ngôi sao, một là Van Persie-xương-thủy-tinh, hai là Rooney-dằn-dỗi, còn lại là những cầu thủ đã qua đỉnh cao hoặc chưa bao giờ ở đẳng cấp thế giới, đã kịp thể hiện sự yếu đuối của họ.

M.U đã sai lầm khi mua Fellaini 

Cần phải công bằng: David Moyes đã phạm nhiều sai lầm, mà việc mua Fellaini là ví dụ tiêu biểu. Nhưng bản thân đội hình Man United bây giờ cũng có quá ít tiềm lực để ông này xoay xở.

3. Và bây giờ Juan Mata đang tiến gần tới Old Trafford, như là nỗ lực đầu tiên để sửa sai, không phải của David Moyes, mà là nỗ lực sửa sai của gia đình nhà Glazer hà tiện. Theo các nguồn tin từ BLĐ đội, thì đây sẽ không phải hợp đồng lớn duy nhất được thực hiện trong năm 2014.

Nếu M.U được đầu tư mạnh tay, thì đó là kết quả của những thất bại choáng váng, những cú đánh chí mạng vào cổ phần của Malcom Glazer, chứ không phải là của một quá trình sa sút từ từ.


(báo bóng đá)