Bong da

Anh

Lăng kính: Man Utd, vua bán áo

Cập nhật: 15/12/2012 06:17 | 0

Sporting ID, một công ty chuyên gia công số áo và tên cầu thủ hàng đầu trong lĩnh vực đồ thể thao, hôm qua đã công bố danh sách những cầu thủ có áo bán chạy nhất tại thị trường Bắc Mỹ. Robin van Persie là cầu thủ đứng đầu danh sách.

Lăng kính: Man Utd, vua bán áo
Lăng kính: Man Utd, vua bán áo

1. Việc một cầu thủ Man United có áo thi đấu bán chạy không phải điều gì xa lạ. Hồi tháng 4, Sporting ID còn đưa ra con số ấn tượng hơn: Wayne Rooney bán được nhiều áo thi đấu nhất trong lịch sử Premier League.

Nhưng hãy quay trở lại phân tích thị trường Bắc Mỹ. Đó là một thị trường giàu có và không truyền thống. Nghĩa là thành công ở nơi đó phản ánh năng lực cạnh tranh hiện tại của CLB, chứ không phải hào quang lịch sử. Quá khứ thì người Mỹ và Canada không xem nhiều bóng đá lắm.

Chỉ riêng trong bảng thống kê thị trường Bắc Mỹ năm nay, M.U góp tới 4 cái tên trong Top 10: Van Persie, Rooney, Kagawa, Chicharito. Một số cái tên khác là Steven Gerrard của Liverpool, Hazard và Lampard của Chelsea, Jack Wilshere của Arsenal và Dempsey - một cầu thủ “chủ nhà” vì mang quốc tịch Mỹ.

Dễ nhận ra điều đặc biệt: M.U có tới 2 tân binh góp mặt, còn Chicharito có thể tính là một hiện tượng, bởi anh chủ yếu ngồi dự bị. Trong nhóm còn lại, ngoài Hazard, những cái tên còn lại trong Top 10 đều thuộc hàng quen mặt ở Premier League và châu Âu.

2. Không kể “thế lực” Rooney, thì Van Persie, Kagawa và Chicharito đều là hình ảnh của M.U trong mùa giải 2012/13. Bản danh sách cho người ta cảm giác người Mỹ nghĩ đến Premier League 2012/13 là nghĩ tới M.U.

Đội bóng này vừa phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ, và dù kết quả không như trông đợi, vẫn nhanh chóng trở thành đề tài “nóng” trên mặt báo Mỹ. Họ cũng nhanh chóng khai trương một văn phòng thương mại trên đất Mỹ, văn phòng đầu tiên thuộc loại này của Premier League. Và cuối cùng, quan trọng nhất, họ thành công trên sân cỏ.

Cái cách M.U có được ngôi đầu Premier League lúc này cũng đầy chất xứ cờ hoa. Lý do mà người Mỹ và Canada không ưa bóng đá như bóng rổ, bóng chày, hockey đơn giản vì tỷ số: bóng đá sẽ bắt họ phải đợi hàng chục phút để có một bàn thắng, trong khi bóng rổ chỉ tính bằng chục giây, “Hollywood” hơn nhiều. Man United mùa này liên tục có những trận lội ngược dòng, tấn công phóng khoáng, ghi bàn nhiều và thủng lưới nhiều, rất có chất xi-nê.

3. GĐĐH Ferran Soriano của Man City từng thú nhận ông đã học theo Man United để xây dựng mô hình Barca (ông là PCT phụ trách kinh tế của Barca từ 2003-2008). Mô hình này không cần quan tâm đến hiệu quả kinh tế của bản thân đội hình, chỉ cần biết rằng nó sẽ trở thành thương hiệu. Rồi sau đó, tiền sẽ đến nhờ doanh thu thương mại, đơn cử như bán áo đấu.

Với tư tưởng chủ đạo như thế, người ta có quyền tự hỏi: Liệu việc phát hành cổ phiếu và khai trương phòng thương mại ở Mỹ có liên quan gì đến việc M.U bất ngờ chơi một thứ bóng đá phiêu lưu lạ thường? Rõ ràng là Alex Ferguson biết cách chơi bóng thực dụng kia mà?

Đó không phải là một giả thiết tồi. Bởi trong khi hàng thủ xuống cấp, Sir Alex đã quyết định mua thêm hai ngôi sao tấn công, chính là hai người đang bán áo đấu hàng đầu ở nước Mỹ, Kagawa và Van Persie. Việc có những trận đấu “thủ phá công làm” là điều logic.

Và dù là vô tình hay hữu ý tấn công thị trường với Kagawa và Van Persie, thì những động tác ấy của M.U cũng đang thắng lợi. Những nước cờ tưởng như bất cập nhưng hóa ra lại quá cao tay.

Ferran Soriano sẽ còn phải mất nhiều công để đem mô hình M.U vào Man City. Bởi ngay từ bây giờ, khi chức vô địch chưa trao, Quỷ đỏ đã đại thắng.


Nguồn bongdaplus.vn