1.Việc Man City chơi tấn công với dáng dấp tiqui-taca như Barcelona, các cầu thủ hoán đổi vị trí liên tục và sử dụng nhiều đường chuyền ngắn, là điều được biết đến từ lâu. Chính Nasri từng khẳng định: “Barcelona là hình mẫu của chúng tôi”.
Không có gì ngạc nhiên khi Silva, Aguero và Balotelli, 3 cầu thủ chơi cao nhất trên hàng công của Man City có mặt khắp nơi trong 1/3 phần sân cuối. Nhưng sẽ có nhiều người ngạc nhiên nếu nhìn vào những thống kê của Nasri trong trận gặp West Brom: trong 59 phút có mặt trên sân, anh tung ra 59 đường chuyền, khoảng 30% số đó đến từ cánh trái sở trường, 25% đến từ trung tuyến. Và 45% số đường chuyền của Nasri được tung ra khi anh đang bám biên phải.
Nasri bám biên phải? Tóm lại, với 4 cầu thủ phụ trách tấn công của Man City bây giờ, chẳng còn cái gì gọi là vị trí nữa. Kể cả với Nasri, cầu thủ chưa bao giờ nổi tiếng vì sự đa năng ngay cả trong những ngày Arsenal thiếu thốn nhất.
Tất nhiên là Man City sở hữu những cầu thủ có kỹ thuật thượng thừa, nhưng ở đẳng cấp Barca thì chưa. Và kết quả là trong một ngày mà Mancini khiến người ta bối rối vì vị trí của các cầu thủ trên sân, ngày mà họ tiệm cận với Barca nhất, Man City bị cầm hòa. West Brom chỉ làm tốt một việc duy nhất: tắc bóng. 50 pha tắc bóng, trong đó có tới 32 lần thành công. Thế là có 1 điểm.
2.Ở Chelsea là một câu chuyện khác. HLV Villas-Boas những tuần đầu tiên mới đến đây, rất cố gắng để áp dụng mô hình Porto vào Chelsea. Một trong những nỗ lực ấy nằm ở vị trí tiền vệ phòng ngự, chỗ của Essien, Obi Mikel và Romeu, vị trí mà ông gọi là “số 6”.
“Số 6 ở Porto đôi lúc dâng lên thành một tiền vệ tấn công. Chúng tôi đã thử áp dụng nó ở đây”. Nhưng rồi ông vỡ mộng nhanh chóng.
Thậm chí, ông bắt đầu suy nghĩ theo kiểu Jose Mourinho: “Bạn không cần phải kiểm soát bóng nhiều hơn đối phương để chiến thắng”. Niềm tin mới này được củng cố bằng việc Chelsea thắng liên tiếp Valencia, Newcastle và Man City khi thua thiệt về kiểm soát bóng.
Chuyện tiếp diễn ở cả 2 trận hòa Wigan và Tottenham, khi đối phương vẫn là đội chuyền nhiều bóng hơn. HLV Villas-Boas không lung lay nữa. Và kết quả là ở trận gặp Fulham này, “số 6” Romeu chết dí ở phía sau hàng tiền vệ. Chỉ 17% số đường chuyền của anh này được thực hiện bên 1/3 phần sân phía đối phương.
Fulham chơi co cụm đến thế, mà đến cuối tỷ lệ cầm bóng chỉ ở mức 52-48 nghiêng về phía Chelsea. Tỷ số thì chúng ta cũng đã biết.
3.Hai câu chuyện, dù biểu hiện ngược nhau, Man City quá tự tin vào khả năng tấn công còn Villas-Boas quá tin vào cái gọi là “cách ngạn quan hỏa” (đứng bên này sông xem lửa cháy, đối phương tự cho mình cơ hội), nhưng có cùng bản chất.
Họ đều không phải là những người giỏi thích ứng. Họ nhìn ra một lối chơi, thấy nó thành công nhiều lần, thế là cứ khăng khăng dùng mãi. Như trẻ con chơi điện tử. Dù đối phương mỗi tuần lại khác nhau.
Việc tìm ra một đấu pháp thích hợp và ổn định là điều cần làm. Nhưng ngay cả khi nó xuất hiện rồi, sự ứng biến vẫn cần thiết. Không thể coi bất cứ thứ gì là đáp án cuối. Đó là thứ làm nên đẳng cấp của một HLV.
Thú vị nhất là 2 trận hòa ấy lại đến trong một ngày Sir Alex thắng bằng một M.U hoàn toàn khác.
Bongdaplus.vn