1. Từ vài thế kỷ trước, khi bắt đầu đặt nền móng cho lĩnh vực “tập tính học” (ethology), nhà sinh học vĩ đại Charles Darwin đã nhận ra rằng khi biên giới giữa lãnh thổ của hai nhóm (hay hai cá thể) động vật láng giềng được xác lập rõ ràng, chúng sẽ thân thiện với nhau hơn, dành ít năng lượng và thời gian để gầm ghè hay chiến đấu với nhau hơn. Dù cho đó là đặc tính cơ bản của các loài động vật có xu hướng chiếm hữu lãnh thổ.
Hiện tượng đó sau này được gọi bằng cái tên “dear enemy effect” (hiệu ứng kẻ thù thân mến). Và tất nhiên, tập tính học của động vật và của con người có rất nhiều điểm chung.
Đã có thời M.U và Liverpool là hai cá thể mà biên giới “lãnh thổ” họ chiếm hữu không thể phân định rõ ràng. Thời ấy, ngoài việc chiến đấu quyết liệt trên sân bóng, họ dành rất nhiều năng lượng và… nước bọt để gầm ghè nhau. Một mối thù đã đến tầm huyền thoại của bóng đá thế giới.
Nhưng rồi đến lúc biên giới lãnh thổ được phân định, hay thậm chí là họ sống ở hai thế giới khác nhau: M.U sống trên đỉnh cao với những tham vọng ngút trời, còn Liverpool loay hoay trong việc đi tìm lại hình bóng của một ông lớn. Chỉ tìm lại vị thế thôi đã quá vất vả rồi, chứ đừng nói đến những điều cao xa như danh hiệu. Họ trở thành những “kẻ thù thân mến”, có lúc HLV Ferguson còn ngậm ngùi cho số phận của Liverpool.
2.Luis Suarez “đùa” Patrice Evra bằng một danh từ ám chỉ màu da, một scandal vô tiền khoáng hậu được tạo ra và một án phạt lịch sử được FA giáng xuống, hiệu ứng kẻ thù thân mến có dấu hiệu bị dập tắt.
FA đã gửi văn bản đến cả M.U và Liverpool yêu cầu cả hai bên lựa chọn thái độ phù hợp trong trận đấu ở vòng 4 FA Cup sắp tới. Trận đấu này, cảnh sát cũng được tăng cường và FA sẽ căn cứ vào những gì hai đội thể hiện để quyết định số vé mà M.U được nhận trong cuộc đối đầu ở FA Cup. “Suất” của CĐV M.U chỉ là 6.000 vé, tức là 15% sức chứa sân Anfield, nhưng có thể sẽ còn giảm xuống nếu FA nghi ngại vấn đề an ninh.
CĐV Liverpool đang tức giận trước án phạt của Suarez. Trên khán đài Anfield ở Premiership là những băng rôn chửi FA “ngu xuẩn”. Một bộ phận thậm chí quay sang thù ghét cầu thủ da màu, đã chửi bới Tom Adeyemi của Oldham ở vòng 3 FA Cup, khiến cầu thủ này ức đến phát khóc. Và nguyên nhân của sự tức giận ấy, rất rõ ràng: Man United, kẻ thù cũ.
Trận đấu có thời được gọi là derby nước Anh đã nóng trở lại. Một tín hiệu vui cho những người yêu bóng đá. Xét cho cùng, thưởng thức bóng đá là thưởng thức những cuộc chiến trong và ngoài sân cỏ.
3.Nhưng tất cả chỉ là những dấu hiệu. Căn nguyên sâu xa của “hiệu ứng kẻ thù thân mến”, là việc lãnh thổ giữa họ đã phân định rõ ràng, vẫn tồn tại hiển nhiên. Carling Cup có phải đấu trường để chiến đấu không? Liverpool có còn đủ “sức hấp dẫn” để Sir Alex tung ra sân đội hình mạnh nhất có thể như đã làm với Man City không?
Có lý do để tin là có một cuộc chiến thực thụ: dẫu sao thì với những kẻ đang loay hoay tìm liều thuốc tinh thần, đấu trường nào cũng như nhau. Cuộc chiến bảo vệ Suarez đã diễn ra hăng máu như thế, thì Carling Cup cũng có thể trở nên quyết liệt.
Nhưng cũng đầy những lý do để tin rằng họ sẽ vẫn chỉ nhìn nhau như những “kẻ thù thân mến”. Thù hằn sao quan trọng bằng thể lực cầu thủ trong bối cảnh khốn khó này.
Không nên kỳ vọng quá, bởi tập tính của động vật và con người nhiều khi giống nhau.
Bongdaplus.vn