Lăng Kính: Hình thành Big Four mới ở Premier League?
>>
>>
1. Bộ tứ này đã chia nhau các vị trí trong Top 4 của Premier League liên tục 4 mùa giải, từ 2004/05 đến 2008/09. Suốt cả lịch sử bóng đá châu Âu, chỉ có 3 bộ tứ khác từng làm được ngang bằng hoặc hơn Big Four của nước Anh. Đầu tiên là Besiktas, Fenerbahce, Galatasaray và Trabzonspor của Thổ Nhĩ Kỳ. Họ đã đứng đầu giải trong 4 mùa liên tiếp từ 1994 đến 1997. Scotland cũng từng chứng kiến một chu kỳ thống trị 4 năm từ 1983 đến 1986 của Rangers, Celtic, Aberdeen và Dundee.
Cuối cùng, là kỷ lục châu Âu thuộc về bộ tứ Belenenses, Benfica, Porto và Sporting Lisbon. Họ đã chia nhau các vị trí dẫn đầu giải Bồ Đào Nha trong vòng 9 mùa giải liên tiếp.
Nhưng các giải Scotland, Thổ Nhĩ Kỳ và Bồ Đào Nha không ở cùng đẳng cấp với bóng đá Anh. Ở đó, khoảng cách giàu nghèo là không thể san bằng, và có thể nhận thấy việc một vài cái tên kể trên cho đến tận giờ vẫn đang thống trị bóng đá quốc nội. Các giải đấu ấy không thể sản sinh ra những “kẻ nổi loạn” kiểu Tottenham, Man City, Blackburn hay Everton.
Để hiểu được độ “quý hiếm” của Big Four, phải nhìn vào các giải hàng đầu. Chưa từng có một cuộc thống trị tương tự ở các giải VĐQG Đức, Italia, Pháp, Tây Ban Nha hay Hà Lan. Ví dụ gần nhất chỉ là bộ tứ gồm Bilbao, Barca, Real Madrid và Sevilla, những đội đã chia nhau 4 vị trí dẫn đầu trong 3 mùa giải liên tục, từ 1954/55 đến 1956/57.
2.Hiếm là thế, nhưng người ta vẫn có quyền tự hỏi liệu có phải một Big Four mới đang hình thành?
Hai đội bóng thành Manchester, Chelsea và Arsenal đang có đầy đủ điều kiện để trở thành một Big Four mới của bóng đá Anh (và của cả lịch sử bóng đá châu Âu). Không còn một CLB nào đủ triển vọng để thách thức họ.
Tottenham, đội xếp thứ 4 mùa giải trước, vẫn luôn nhận được kỳ vọng chen chân vào đội ngũ các ông lớn từ vài năm nay. Nhưng Spurs và các ông chủ của họ đang cho người ta cảm giác về một sự suy kiệt: tổng tiền mua trừ bán của Tottenham trên TTCN mùa Hè là… 500.000 bảng, coi như không có nếu nhìn sang các đại gia khác tại Premier League. Mùa trước, họ thu lãi tới 26 triệu bảng từ TTCN. Sau gần 10 năm đầu tư không tiếc tay, tỷ phú Joe Lewis đã chùn lại.
Andre Villas-Boas đã để kịp lấy niềm tin của sân White Hart Lane bằng chiến thắng trước M.U. Nhưng quân của ông mỏng, và chưa có được sự ổn định cần thiết. Có thể câu trả lời sẽ có ngay ở vòng sau, khi Spurs đối đầu với Chelsea.
Everton thì đã không còn là kẻ thách thức từ lâu. Newcastle đang đi xuống. Còn Liverpool, gần như không còn gì để nói về họ nữa.
3.Nếu một Big Four mới hình thành ngay trong mùa giải này, đó là một tin vui hay tin buồn với bóng đá Anh?
Big Four trước đã khiến uy danh của Premier League vang dội khắp châu Âu và cả trên tầm thế giới. Nhưng sự thống trị của nó cũng khiến khoảng cách giàu nghèo tăng cao, như một tất yếu của mọi cuộc thống trị, những kẻ chiếu dưới chi tiêu bán mạng hòng chen chân vào Top 4, để rồi suy kiệt, giải đấu nợ nần.
Tốt nhất là một Big Four như thế không nên hình thành lần thứ 2. Sự hiếm hoi của những Big Four trong lịch sử bóng đá cũng gợi ý rằng những cuộc “đè đầu cưỡi cổ” như thế không có lợi cho sự phát triển.
Còn quá sớm để nhận định về kết cục của Premier League. Nhưng đã đủ dấu hiệu để cầu nguyện một chu kỳ thống trị khác không mở ra…