Bong da

BONG-DA-ANH

Lăng kính: Đâu là bóng đá?

Cập nhật: 28/04/2012 08:15 | 0

Sau chiến thắng "xấu xí" của Chelsea trước Barcelona, Stoke City và phong cách chơi bóng của họ đang trở thành chủ đề “hot”. Và hôm nay, Arsenal (một phiên bản khác của trường phái Barca) sẽ tiếp tục phải đối mặt với bài test "chống xe bus".


Stoke City gặp Arsenal, nghĩa là đội bóng có lối chơi phòng ngự nổi tiếng nhất Premier League gặp đội bóng “dị ứng” với thứ bóng đá của họ nhất. Mùa năm ngoái, HLV Arsene Wenger từng dè bỉu đoàn quân của Tony Pulis là “đội bóng rugby”, ám chỉ đến việc sức mạnh của Stoke được tạo ra từ những pha va chạm thô bạo như trong môn bóng bầu dục.

Đó là một cuộc đối đầu đáng suy nghĩ trong tuần này, khi Chelsea vừa có một chiến thắng nổi tiếng trước Barcelona bằng một chiến thuật phòng ngự theo đúng kiểu Stoke. Đó là một cuộc đối đầu giữa 2 triết lý bóng đá “không đội trời chung”, và có một bên tin rằng những gì bên kia làm trên sân bóng không phải là bóng đá.

Cuộc đấu giữa Stoke và Arsenal còn đáng nói, bởi đội bóng của HLV Pulis đang được đem ra làm chuẩn mực cho cách tồn tại ở Premier League. “Copy cách làm của Stoke là phương thức tốt nhất để trụ lại ở Premiership” – nhà kinh tế học Rob Wilson đưa ra lời khuyên với BLĐ Reading, đội vừa lên hạng mùa này.

2. Sau chiến thắng của Chelsea, Stoke City và phong cách chơi bóng của họ đang trở thành chủ đề “hot”. Tờ Guardian hôm qua thậm chí có một bài viết dài với đại ý: nếu Chelsea có thể thắng được Barca, thì Stoke City thừa sức làm được. Họ còn ở “chiếu trên” so với Chelsea nếu xét đến nghệ thuật cắt, phá, cưỡng đoạt.


HLV Wenger tin rằng đó không phải là bóng đá (và tất nhiên, trong giờ phút này, rất nhiều CĐV Barcelona đồng quan điểm với ông). Đúng là có rất ít dấu tích của sự sống bóng đá tại Britannia, nếu đứng từ quan điểm của Arsenal. Hãy xét đến một chỉ số tiêu biểu: các đường chuyền ngắn. Đó là tiền đề của những phương thức phối hợp đẹp mắt và tốc độ nhất trong bóng đá.

Arsenal luôn là đội có số đường chuyền ngắn/trận nhiều nhất Premier League. Xu hướng này, cho dù Arsenal đang sa sút, vẫn đang gia tăng: mùa 2009/10 là 459, mùa 2010/11 là 492 và đến thời điểm này của mùa 2011/12, bất chấp sự trỗi dậy của Man City, họ vẫn đang dẫn đầu với… 506 đường chuyền ngắn/trận.
Còn Stoke City? Mùa nào họ cũng xếp cuối BXH “bóng đá tinh tế” với khoảng hơn 200 đường chuyền ngắn/trận. Có phần lớn trong số này là hậu vệ chuyền ngang.

Stoke không phối hợp bóng ngắn. Họ sống nhờ các pha phản công tạo ra bởi những đường chuyền dài (nhiều thứ 6 tại giải), bàn thắng từ tình huống cố định (nhiều thứ 4). Và tất nhiên là cả việc phá lối chơi của đối phương (phạm lỗi nhiều thứ 4 mùa này).

3. BLV số 1 nước Anh Jon Champion gọi Stoke City là “Neanderthal” - một chi người đã tuyệt chủng trong tiến trình tiến hóa từ loài linh trưởng lên người hiện đại. Một lối so sánh không mấy êm tai: họ chơi bóng theo cách “dã man” như những người nguyên thủy.


Sự “thiếu tinh tế” của Stoke City càng trở nên rõ ràng hơn khi đặt trong những trận đấu thế này, khi đối phương là Arsenal, một hình thái Barcelona của nước Anh.

Như tất cả những lần đối đầu trước, sẽ có nhiều CĐV Arsenal, và có thể là cả HLV Arsene Wenger, lại cảm thấy ức chế vì những gì đội bóng đẹp đẽ của ông phải đối mặt. Sẽ lại xuất hiện cảm giác bóng đá phải đối đầu với thứ-không-phải-bóng-đá.

Nhưng khi những dòng tán dương Chelsea vẫn đang ngập tràn các mặt báo, thì cần dừng lại để nghĩ về giá trị của Stoke City. Cách sinh tồn của The Blues đã được Stoke City lựa chọn, trung thành và đưa lên đến đỉnh cao từ lâu. Và họ đã chấp nhận sống trong những dè bỉu để tồn tại.

Tuần này, Chelsea phát đi cả thế giới thông điệp mà rất nhiều CĐV Stoke City muốn gào vào mặt những kẻ khinh thường họ: “Chúng tôi không có bóng đá đẹp, nhưng có sự sống”.

Bongdaplus.vn