Bong da

Lăng kính: Đào vàng ở Trung Quốc không còn dễ

Cập nhật: 25/07/2012 08:17 | 0

Theo nhiều thống kê, Man United có khoảng từ 70 đến 100 triệu CĐV ở Trung Quốc. Cộng thêm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đó là một thị trường đầy tiềm năng. Nhưng từ “tiềm năng” tới “thực tế” vẫn còn là một khoảng cách rộng.

Lăng kính: Đào vàng ở Trung Quốc không còn dễ
Lăng kính: Đào vàng ở Trung Quốc không còn dễ
1. Doanh thu ngoài sân cỏ của Man United chủ yếu đến từ Mỹ, đất nước mà toàn bộ dân số cũng chỉ gấp 3 lần số CĐV Man Utd ở Trung Quốc. Những hợp đồng tài trợ lớn nhất của họ là với Nike (23 triệu bảng/năm) và Aon (20 triệu bảng). Hợp đồng lớn thứ 3 là với hãng chuyển phát nhanh DHL của Đức (19 triệu bảng).

Đó cũng là tình trạng của Arsenal và Man City, hai đội bóng sẽ gặp nhau tại sân Tổ chim tại Bắc Kinh cuối tuần này. Đối tác chính của họ là các hãng hàng không Ả-rập, với những hợp đồng tài trợ của Fly Emirates và Etihad Airways. Nói cách khác, thị trường có lượng khách hàng đông nhất thế giới vẫn thờ ơ với Premiership. Không một hợp đồng tài trợ lớn nào đến từ Trung Quốc, cho dù nơi đây có rất nhiều công ty lớn, rất lớn và đang cần quảng bá hình ảnh trên tầm thế giới.

Họ phải đến, để phá vỡ hàng rào vô hình vẫn ngăn cách “núi tiền” ở thị trường này với két sắt của mình. Nhưng đó là một nhiệm vụ không dễ dàng.

2.Bóng đá thế giới đã “phẳng” hơn với sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới. Các tập đoàn lớn của Trung Quốc, Nga hay Brazil bây giờ không thực sự hứng thú với việc đi mượn danh của những CLB hàng đầu châu Âu để quảng bá hình ảnh. Họ có xu hướng dùng tiền để xây dựng giải VĐQG nội địa thành một môi trường hấp dẫn, và đó mới là cách quảng cáo hiệu quả nhất.

Brazil đã liên tục đưa những đứa con cưng của họ hồi hương với mức lương hấp dẫn: Ronandinho, Ronaldo, Adriano, Fabiano… và thậm chí là cả những ngôi sao châu Âu như Clarence Seedorf. Người Nga cũng chào mời thành công Samuel Eto’o, Roberto Carlos, đưa Zhirkov và Arshavin trở về. Và các tỷ phú Trung Quốc, cũng với túi tiền không đáy, đã có Drogba và Anelka. Thậm chí Drogba và chủ tịch của Shanghai Shenhua mới đây còn có một cuộc họp về khả năng đưa nốt Lampard và Terry sang thành phố lớn nhất Trung Quốc.

Rất khó để nói rằng cách làm ấy có hiệu quả hơn việc mua đứt hình ảnh của một CLB Premiership hay không. Chỉ thời gian mới có thể trả lời. Nhưng họ đã chọn một con đường hướng nội. Và đó là trở ngại lớn của các đội bóng có tham vọng thôn tính thị trường như M.U.

3.Cuộc đối đầu giữa M.U và Shanghai Shenhua, giữa Rio Ferdinand và Drogba đêm nay, vì thế, mang tính biểu tượng: những vị khách đang muốn có thị trường phải đối đầu với một thế lực nội địa, đã được trang điểm hấp dẫn để thu hút người dân bản xứ. Hai bên đều muốn sở hữu thị trường bóng đá màu mỡ này, và đều có những lợi thế riêng.

Không cần phải nói cũng biết M.U sẽ phải nhập cuộc với một thái độ khác so với hai trận đấu hời hợt trên đất Nam Phi. Họ đang phải hướng tới một thị trường hấp dẫn hơn, gặp một đối thủ mạnh hơn (ít nhất là về mặt thương hiệu).

Thời mà mọi nơi ngoài châu Âu và Nam Mỹ đều là “vùng trũng” của bóng đá đã qua. Rất nhiều thành quách đã được dựng lên với túi tiền của các tỷ phú bản địa. Thị trường này sẽ còn tiêu tốn của các ông lớn Premiership nhiều mồ hôi và những chuyến bay dài.

Nguồn bongdaplus.vn