. Hồi đầu tháng 2 vừa qua, có tin Apple muốn đứng ra đấu giá bản quyền truyền hình Premier League. Những tin đồn về việc hãng này sắp tung ra chuẩn truyền hình của riêng họ đã có từ lâu. Bản thân Steve Jobs trước khi qua đời ít lâu cũng tuyên bố, ông đã “bẻ gãy” được các thách thức trong việc phát minh ra một chuẩn truyền hình mới. Và điều hiển nhiên là khi tung ra thứ ấy (dưới một cái tên gì đó bắt đầu bằng chữ “i ngắn”), thì Apple cần có những nội dung đã được “đo ni đóng giày” theo phong cách làm ăn kinh điển của hãng này.
Premier League được Apple quan tâm, nghĩa là nó vẫn được xem là thứ nội dung “sành điệu” để cung cấp cho đối tượng khách hàng “sành điệu” của cái thương hiệu “sành điệu” kia.
Không phải La Liga, không phải Champions League, không phải giải vô địch hockey Ấn Độ (vốn được định giá trị thương hiệu tới 4,2 tỷ USD), mà Premier League nói riêng và bóng đá Anh nói chung mới là thứ Apple muốn có đầu tiên trong nỗ lực xây dựng hệ thống truyền hình số của họ.
Hãy nhớ tháng 2 là lúc vòng bảng Champions League đã kết thúc, 2 thương hiệu quan trọng nhất của Premier League là M.U và Man City đã bị loại. Có rất nhiều lý do để khẳng định chất lượng của giải đấu này đã sa sút. Nhưng sự quan tâm của Apple có thể là minh chứng cho “sức mạnh thương hiệu”. Ấn tượng của đám đông về giải đấu hấp dẫn nhất thế giới không thể bị phai nhạt qua vài mùa thất bát.
Đó có thể cũng là câu chuyện chung của bóng đá Anh, của FA Cup và Liverpool, những thương hiệu “có vẻ đang thất thế” trong cuộc chiến đêm nay.
2. Thế giới vẫn yêu quý Liverpool. Giá trị thương hiệu của họ vẫn tăng 10,6% từ năm 2010 đến 2011, đạt 156 triệu bảng mà không cần có mặt tại cúp châu Âu. Theo báo cáo thường niên của BrandFinance, xếp hạng uy tín thương hiệu của Liverpool vẫn đạt mức “AA”, ngang bằng Chelsea, Arsenal và cao hơn Juventus (BBB+), Milan (AA-). Mức “AAA” vốn chỉ thuộc về 4 CLB giàu nhất thế giới là Real, Barca, M.U và Bayern.
Tình cảm vẫn còn, và người ta chỉ cần một lý do để tiếp tục yêu. Lý do đó có thể là FA Cup, bất chấp những lời gièm pha từ chính nội bộ làng bóng đá Anh về chất lượng của đấu trường này.
Đó cũng là lý do khiến ông chủ John W. Henry đưa ra những tuyên bố hào sảng sau khi Liverpool vô địch Carling Cup.
Tất nhiên, phân tích rành rẽ ra thì FA Cup lúc này không thể là Premier League, Liverpool lúc này không thể đứng ngang hàng Arsenal hay Chelsea. Nhưng thị trường được quyết định bởi cảm tính, thành công của một CLB, về lâu về dài, vẫn đến từ thị trường.
3. FA Cup với Liverpool không phải “một miếng khi đói”, mà phải gọi là “nhẫn cỏ khi yêu”. Đã yêu rồi, cái nhẫn cỏ tặng nhau cũng có giá trị ngang cái nhẫn kim cương lúc vô tình.
Hãy nhớ rằng, thương hiệu hạng “AAA” Bayern Munich cũng đã trải qua không dưới nửa thập kỷ bết bát ở châu Âu, nhưng Bayern vẫn có “nhẫn cỏ” Bundesliga để tặng các tình nhân của họ - dù chính miệng tuyên bố thứ ấy chỉ là danh hiệu hạng xoàng.
Có thể các chuyên gia thị trường của Apple hiểu rằng, nếu họ bán TV ra, vẫn sẽ có hàng triệu người hỏi: “Sao không có nội dung liên quan đến Liverpool?”, dù Liverpool chỉ thành công ở FA-Cúp-hạng-Hai.
Bongdaplus.vn