Lăng Kính: Câu chuyện của người Anh
1. Liverpool sau thời Benitez đã không còn là kẻ cạnh tranh danh hiệu Premier League với M.U và Chelsea nữa. Thay vào đó là cái tên Man City. Và với chất lượng đội hình của Man City, trận derby thành Manchester cũng có tính quyết định đối với cuộc đua tranh hơn là trận “derby nước Anh” giữa M.U và Liverpool.
Song, điều đó không có nghĩa là “derby nước Anh” kém hấp dẫn hơn. Đơn giản, nó đã là văn hoá của bóng đá Anh.
Đó là lý do vì sao báo chí ầm ĩ lên về trận cầu ấy từ mấy ngày trước khi bóng lăn. Và đó cũng là lý do tại sao Fergie tuyên bố xanh rờn: “Tôi thậm chí còn chẳng quan tâm Liverpool đang đứng thứ mấy trên bảng xếp hạng”; còn Carragher thì lên tiếng: “Chúng tôi thà thấy Man City thắng Premier League còn vui hơn là thấy M.U đoạt được nó”.
Không phải họ đã làm quá mọi việc lên như ta vẫn nghĩ. Và càng không phải báo chí Anh cố tình làm lớn chuyện những tranh cãi bé xíu dù báo chí luôn cần có những câu chuyện để thổi phồng. Đó là sự đối đầu thực chất của cả hai CLB, hai thành phố, sự đối đầu bắt nguồn từ năm 1893, khi Kênh vận tải thủy Manchester ra đời và hàng hóa đi thẳng về Manchester mà không cần phải trung chuyển qua Liverpool nữa. Sự thay đổi đó đã biến mối tị hiềm giữa hai thành phố ngày càng lớn và nó thấm đẫm trong tất cả mọi mặt của xã hội.
2. Trận derby đêm qua lại lần nữa Suarez và Evra là trung tâm của mọi sự quan tâm. Không phải người ta còn thích soi mói câu chuyện mang nặng tính chủng tộc giữa họ mà đó là hiện thân của sự đối địch giữa hai bên. Trong sự soi xét của tất cả, Evra đã tỏa sáng, trong cả hai bàn thắng của M.U còn Suarez thì đơn độc, bị đối thủ chia cắt khỏi đồng đội suốt cả hiệp 1. Anh chỉ thực sự được chơi bóng đúng nghĩa khi Sturridge vào sân và trở thành một đối tác tốt của mình trên hàng công.
Sự hấp dẫn của “derby nước Anh” nằm ở chỗ đó. Tất cả những gì nhỏ nhất đã không còn được tính đếm trên cương vị của những cá nhân đơn lẻ nữa mà nó được mang ra mổ xẻ trên phương diện khác biệt của vùng miền.
Và đó cũng là lý do vì sao Mourinho dự khán trận cầu này chứ không phải trận Arsenal-Man City sau đó. Lấy lý do ông đều nghiên đối thủ của Real ở Champions League chưa chắc đã chính xác bởi trận Real-M.U phải tới 13/02 mới thi đấu. Cơ bản là ông thích cuộc chơi đã thành thương hiệu của người Anh.
Và báo chí lúc nào cũng thích những cuộc chơi như thế. Nó giúp cho họ có câu chuyện. Báo chí chỉ tồn tại khi có những câu chuyện thú vị.
Ở chiều ngược lại, chính những câu chuyện thú vị như những gì quanh trận derby này cũng là kênh quảng bá tuyệt vời cho hình ảnh Premier League.
Vô tình, hoặc cố ý, những phát ngôn, động thái của người chơi (như Fergie, Carragher chẳng hạn) đã góp phần tạo câu chuyện quảng bá văn hoá bóng đá Anh.
3. Trước trận cầu, phía M.U có phần chê bai cách dùng cầu thủ quá trẻ của Liverpool, như cách họ từng chê Arsenal là lũ nhóc. Nhưng Gerrard đã nói rằng ở Liverpool vẫn còn anh lúc này, một người già tiêu biểu cho kinh nghiệm.
Trận cầu qua đi, và chính bản thân nó lại tạo thêm bề dày lịch sử cho văn hoá derby nước Anh với những câu chuyện mới. Điển hình, câu chuyện ngày mai có thể sẽ là “Gerrard-một trong những cầu thủ huyền thoại nhất của bóng đá Anh chưa từng một lần vô địch Premier League” hoặc “từ derby Anh, Sturridge bắt đầu cho thấy bóng dáng của một cầu thủ lớn ở thì tương lai”…
Thế mới hiểu, người Anh làm cho Premier League trở nên hấp dẫn nhất toàn cầu bởi họ biết cách khai thác rất hay những câu chuyện của chính mình…