1. “Tâm lý nhược tiểu” không phải là một quy kết cảm tính dành cho những kẻ thua cuộc. Đó là một khái niệm khoa học: các nhà khoa học Anh đã từng chứng minh rằng chính tâm lý là thứ khiến những cầu thủ Anh thường xuyên thất bại trên chấm phạt đền. Họ sút trượt, không phải bởi không đủ năng lực để sút trúng (nước Anh thường xuyên sản sinh ra những cầu thủ sút xa cực tốt): trong lúc bước lên chấm 11m, họ đã tâm niệm rằng mình sẽ thất bại như bất kỳ một thế hệ tuyển thủ Anh nào trước kia.
Thậm chí một tuyển thủ nước ngoài khoác áo một CLB Anh cũng có thể dính thứ “bệnh di truyền” này. Dirk Kuyt của Liverpool, một người Hà Lan, với quả penalty hiền lành đến vô duyên trong trận gặp Arsenal tối qua, có thể là ví dụ.
Nếu tư duy một chiều, sẽ dễ nghĩ rằng cầu thủ làm nên màu cờ sắc áo, cá nhân tạo nên đặc tính của tập thể. Nhưng như trong câu chuyện người Anh và chấm penalty, màu cờ sắc áo lại quyết định tâm lý cầu thủ. Có những tâm lý nằm sẵn trong cái tên của tập thể, rồi ám ảnh ngược vào đầu óc các thành viên, được kế thừa qua các thế hệ.
Chính sự kế thừa tâm lý là điều tạo ra bản sắc. Và “tâm lý nhược tiểu” là rào cản lớn nhất của những đội bóng muốn vươn lên một tầm cao mới.
2. Trong đội hình của Tottenham bây giờ, có rất nhiều thành viên đã từng biết đến chiến thắng trước Man United. Louis Saha đã từng làm điều đó trong màu áo Everton. Adebayor và Gallas cũng từng cùng Arsenal vượt qua Quỷ Đỏ. Brad Friedel giữ sạch lưới giúp Aston Villa thắng ngay tại Old Trafford.
Nhưng đêm nay, họ khoác áo Tottenham. Đã gần 11 năm kể từ tháng 5/2001, Spurs không biết đến cảm giác chiến thắng trước M.U. Tổng cộng là 21 trận Premiership và 25 trận ở tất cả các đấu trường.
Không phải đến bây giờ Spurs mới sở hữu một đội hình mạnh. Và M.U không phải là bất khả chiến bại: chính các thành viên Tottenham đã cùng CLB cũ của họ nhiều lần chỉ ra điều đó. Vấn đề có lẽ nằm ở cái tên Tottenham Hotspur, và “tâm lý nhược tiểu”.
Tâm lý nhược tiểu – small mentality. Đó là từ mà Sir Alex đã dùng để mô tả Man City trong những ngày đầu tiên của “triều đại Ả rập”. Và ai cũng biết rằng họ đã tốn bao nhiêu thời gian cũng như tiền bạc, để rồi dù làm mưa làm gió ở Premiership, vẫn dễ dàng bị “dắt mũi” trên tầm châu Âu.
Đó cũng là từ mà đã hơn một lần báo chí Anh sử dụng để chỉ Tottenham. HLV Harry Redknapp đã hứa hẹn về việc xóa bỏ cái tâm lý ấy hơn một lần, và hầu như lần nào cũng là trước khi gặp Man United. Nhưng ông chưa thực hiện được.
3. Không gì là không thể thay đổi. Nhưng phân tích về sự “kế thừa tâm lý” trong bóng đá để hiểu rằng vấn đề của cuộc đối đầu giữa Tottenham và M.U đêm nay không chỉ là chuyện chuyên môn. Spurs phải vượt qua một thứ lớn hơn rất nhiều: chính nỗi ám ảnh của họ.
Khi Sir Alex gọi Man City là “đội bóng với tâm lý nhược tiểu”, lý do của ông là: “Họ chỉ biết nói về Man United”. Đó cũng là nội dung một tuyên ngôn nổi tiếng của nguyên soái Hyman Rickover, một huyền thoại của hải quân Hoa Kỳ: “Những người vĩ đại nói về các ý tưởng, những người bình thường nói về các sự kiện, còn những người nhược tiểu, chỉ nói về kẻ khác”.
Nếu Redknapp tiếp tục nói về M.U và nghĩ M.U như một cái mốc đánh dấu đẳng cấp, theo thói quen lâu năm của ông, Spurs vẫn chỉ là kẻ nhược tiểu. Và họ sẽ lại thua.
Hãy hy vọng rằng White Hart Lane đêm nay, sẽ là một Tottenham khác. Một Tottenham không nghĩ về M.U.
XEM THÊM:
Bongdaplus.vn