HLV Moyes chỉ có được 1 sự tăng cường đáng kể trong Hè này
Trong quá khứ, M.U đã trải qua không ít mùa Hè im ắng. Nhưng đó là sự im ắng mang tính chủ động. Có thể vì HLV Ferguson cảm thấy lực lượng của đội bóng đã ổn và không cần phải có những thay đổi quá lớn. Có thể vì ông không tìm được người ông cần trên TTCN. Cũng có thể vì ngay từ đầu, mục tiêu mà M.U theo đuổi đã cho thấy tính bất khả thi, nên ông quyết định rút lui ngay để tập trung chuẩn bị cho mùa giải. Nói tóm lại, dưới thời Ferguson, các CĐV không bao giờ bị đặt vào tình trạng phải lo lắng căng thẳng, không hiểu mùa Hè này đội bóng có mua được gì hay không. Đôi khi, họ còn nhận được những bất ngờ theo kiểu đùng một cái, đội bóng công bố một lúc 2, 3 bản hợp đồng mới. Rất thú vị!
Mùa Hè này, M.U không hề im ắng. Họ thậm chí còn ồn ào là đằng khác. Đầu tiên, cứ tưởng Thiago Alcantara đã thành người của "Quỷ đỏ" tới nơi, cho đến khi anh thông báo sẽ theo thầy cũ Pep Guardiola tới Bayern Munich. Thất bại với vụ Thiago, M.U lại quay sang Cesc Fabregas, và phải sau mấy lần bị từ chối, cộng với việc Barca ra tuyên bố yêu cầu ngừng quấy nhiễu, họ mới chịu thôi. Ngay cả trong vụ Fellaini, M.U cũng hai ba lần ra giá rồi bị từ chối, do cứ thích ghép thêm Leighton Baines vào. Đến ngày cuối của TTCN mùa Hè mà M.U vẫn còn ồn ào: Họ bất ngờ nhảy vào đòi giải phóng hợp đồng của ngôi sao đang chơi cho Bilbao - Ander Herrera, và đường đột hơn, hỏi mượn Coentrao từ Real Madrid.
Herrera là thất bại mới nhất của M.U
Cuối cùng thì chỉ có Fellaini cập bến Old Trafford. Hai vụ còn lại đều hỏng vì một lý do: M.U thiếu sự chuẩn bị và không hiểu gì về thị trường Tây Ban Nha. Nếu theo dõi vụ Bayern Munich mua Javi Martinez hồi mùa Hè năm ngoái, M.U hẳn phải rút ra được bài học kinh nghiệm về sự phức tạp, rối rắm của hệ thống hành chính (cộng luật thuế) ở Tây Ban Nha. Năm ngoái, người của Bayern thậm chí còn phải mang cả... tiền mặt tới xứ Basque mới hoàn tất được thương vụ mà họ tự nhận là "gây đau đầu bậc nhất trong lịch sử chuyển nhượng đội bóng". Thế mà cuối cùng M.U vẫn lao vào vụ Ander theo cách tương tự, để rồi khi nhận ra không thể hoàn tất hết thủ tục, và giá cả bị đôn lên quá cao do phải trả thêm thuế, họ buộc phải âm thầm rút lui.
Những gì diễn ra trong ngày cuối của kỳ chuyển nhượng chính là lời tổng kết chính xác nhất cho hoạt động của M.U trong cả mùa Hè này. Thiếu sự chuẩn bị, không có chiến lược, nhưng thừa sự ồn ào. Các CĐV rõ ràng có cơ sở để giận dữ, nhất là nhìn sang đối thủ, ngay cả Arsenal keo kiệt cuối cùng cũng thực hiện được "bom tấn" mang tên Oezil. Một số người đã lôi đích danh HLV David Moyes ra để chỉ trích. Họ cho rằng HLV người Scotland vẫn chưa thoát được tâm lý "con nhà nghèo" đã ăn sâu sau 11 năm dẫn dắt Everton. Chính hành động cò kè bớt một thêm hai của Moyes đã khiến đối tác cảm thấy chán và không hào hứng tiếp tục đàm phán nữa.
Nhiều CĐV đổ lỗi cho Moyes
Tuy nhiên, đổ hết lỗi cho Moyes có lẽ là không hợp lý. Đúng là Moyes đã làm điều không nên làm là úp mở quá nhiều về các hoạt động chuyển nhượng của đội bóng, nhưng thực tế, ông không phải là người nắm quyền tối cao về chuyển nhượng. Hiện vẫn chưa rõ Moyes có được nhiều quyền lực như Ferguson hay không, nhưng nhiều khả năng, vai trò của ông chỉ hạn chế ở mức đưa ra yêu cầu về nhân sự, còn lựa chọn mục tiêu, đàm phán, ra giá... sẽ do một đội ngũ khác lo. Đó là cách vận hành cơ bản của một đội bóng. Và do đó, nếu cần tìm một người để "ném đá", các CĐV không nên nhìn vào Moyes, mà hãy nhìn vào một "người mới" khác của đội, tân CEO Ed Woodward.
Đây là mùa đầu tiên của Woodward trên cương vị mới. Và vị cựu Giám đốc tài chính, người chỉ bắt đầu được theo chân CEO cũ David Gill tham dự các diễn đàn bóng đá từ năm ngoái, rõ ràng vẫn còn quá bỡ ngỡ với cách TTCN châu Âu vận hành. Cách M.U tham gia thị trường chuyển nhượng năm nay đích thị là cách của một kẻ đang học việc. Thất bại là đương nhiên. Và khi sếp cao nhất không hiểu gì về bóng đá (tạm nói như thế), David Moyes sẽ có nhiều việc để làm hơn so với những gì ông nghĩ tới khi nhận lời thay Sir Alex...
Nguồn: Tổng hợp