Giấy phép lao động đang giết chết bóng đá Anh?
Thực ra, Premier League bây giờ đang tràn ngập các ngôi sao đến từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, giải đấu số 1 nước Anh vẫn tồn tại một hạn chế lớn là chỉ có những cầu thủ đã thành danh ở ĐTQG mới được chào đón. Còn lại, những tài năng trẻ triển vọng hoặc những cầu thủ vô duyên với ĐTQG bị gạt ra ngay từ vòng “gửi xe”.
Quy định ở Anh rất rõ ràng, cầu thủ muốn được hành nghề ở đất nước của họ trước hết phải có giấy phép lao động. Để có được giấy phép lao động, những cầu thủ chưa có hộ chiếu châu Âu bắt buộc phải là tuyển thủ quốc gia của một đội bóng có thứ hạng trung bình không quá 70 trên BXH FIFA trong 2 năm gần nhất. Cũng trong 2 năm gần nhất ấy, họ phải góp mặt trong 75% số trận quốc tế “loại A” mà ĐTQG tham dự.
Đây không phải là vướng mắc quá lớn với những cầu thủ đã thành danh cỡ Alexis Sanchez hay Sergio Aguero. Tuy nhiên, với những ai chưa có cơ hội khoác áo ĐTQG thì được chơi bóng ở Premier League lại là giấc mơ rất xa vời.
Gabriel Paulista chưa có giấy phép lao động ở Anh
Đơn cử như trường hợp của trung vệ Gabriel Paulista. Theo báo giới Anh, Villarreal đã đồng ý bán Paulista cho Arsenal với giá 15 triệu bảng. Rất tiếc, vụ chuyển nhượng đang có nguy cơ đổ bể chỉ vì cầu thủ 24 tuổi người Brazil này chưa xin được giấy phép lao động ở Anh.
Thực tế, một số người đã đề xuất ý tưởng một cầu thủ sẽ được tự động cấp giấy phép hành nghề ở Anh nếu được mua với giá từ 10 triệu bảng trở lên. Ngay cả chủ tịch LĐBĐ Anh là Greg Dyke cũng ủng hộ phương án này, nhưng đến thời điểm hiện tại các quy định cũ vẫn chưa thay đổi nên vụ chuyển nhượng Paulista đang lâm vào bế tắc.
Trong trường hợp vẫn muốn có được Paulista, Arsenal cần phải chứng minh đây là một cầu thủ có tài năng xuất chúng và có thể có những đóng góp đáng kể trong việc nâng tầm giải đấu hạng cao nhất nước Anh.
Di Maria từng lọt vào "mắt xanh" của Wenger khi mới 17 tuổi
Bàn về những bất cập trong việc xin giấy phép hành nghề ở Anh, HLV Arsene Wenger của Arsenal cho biết: “Sẽ rất tuyệt vời nếu những quy định về việc xin giấy phép lao động ở Anh được bãi bỏ, có nghĩa mọi cầu thủ đều có cơ hội được chơi bóng ở đây”.
“Trước đây, tôi từng để mắt đến Angel Di Maria khi cầu thủ này mới có 17 tuổi. Chúng tôi muốn mang Di Maria về Arsenal, nhưng rút cục cầu thủ này lại chọn Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha làm điểm dừng chân tiếp theo. Tại Di Maria lại làm như thế? Đơn giản, cậu ấy không có sự lựa chọn nào khác vì không xin được giấy phép lao động ở Anh”.
“Qua câu chuyện trên, có thể thấy các đội bóng Anh gặp thiệt thòi vì không mua được những cầu thủ trẻ tiềm năng. Khi những cầu thủ này trưởng thành và thành danh thì số tiền phải bỏ ra để có được họ là rất lớn”.
Có ý kiến cho rằng, giấy phép lao động là biện pháp hữu hiệu để hạn chế tầm ảnh hưởng của những cầu thủ ngoài châu Âu muốn tới Anh thử sức. Số lượng những cầu thủ này giảm đi cũng đồng nghĩa với việc các tài năng trẻ ở Anh sẽ có thêm cơ hội phát triển sự nghiệp.
Về phần mình, Giáo sư lại không đồng tình với quan điểm trên khi tuyên bố: “Có 2 giải pháp để giúp các học viện trẻ ở Anh. Cách thứ nhất là không cho phép cầu thủ nước ngoài chơi bóng ở Anh. Cách này giúp các cầu thủ bản địa có nhiều đất diễn hơn vì họ không phải cạnh tranh với ai. Đổi lại, chúng ta phải chấp nhận thực tế là sức hút của Premier League trên toàn thế giới giảm mạnh”.
“Cách thứ 2 là hãy mở cửa biên giới để mọi cầu thủ có khả năng đều được chơi bóng ở Anh. Với cách làm này, Premier League sẽ rất hấp dẫn bởi đây là nơi tranh tài của những ngôi sao hàng đầu. Trong bất kỳ trường hợp nào thì tôi cũng dám chắc một điều, đó là một cầu thủ sẽ có cơ hội phát triển nếu được chơi bóng cùng với những đồng nghiệp có đẳng cấp cao nhất. Còn khi chỉ đá với những người bình thường thì nhiều khả năng anh ta cứ mãi là một cầu thủ trung bình mà thôi”, HLV Wenger kết luận.