Bong da

Bóng đá Anh

ĐT Anh: Nhún mình cầu tiến

Cập nhật: 10/11/2011 11:22 | 0

Tháng 2/2007, ĐT Anh và Tây Ban Nha gặp nhau tại Manchester trong bối cảnh chẳng lấy gì làm vui vẻ

Tháng 2/2007, ĐT Anh và Tây Ban Nha gặp nhau tại Manchester trong bối cảnh chẳng lấy gì làm vui vẻ. Bấy giờ, Tây Ban Nha vẫn gắn liền với biệt danh “Vua vòng loại”. Cách đó chưa lâu, tại World Cup 2006, Tây Ban Nha bị ĐT Pháp tiễn về nước ở vòng 1/16 và nỗi thất vọng lên đến đỉnh điểm với những thất bại liên tiếp trước Bắc Ireland, Thụy Điển và Romania.

HLV Luis Aragones hạ quyết tâm xây dựng lại ĐT Tây Ban Nha với nòng cốt là những tài năng trẻ như David Villa, David Silva, Cesc Fabregas, Sergio Ramos, Andres Iniesta… thẳng tay loại các "công thần" lâu năm như Raul Gonzalez, Michel Salgado, Joaquin Sanchez…

Và tập thể trẻ trung ấy đã hạ gục Tam Sư ngay trên sân Old Trafford bằng bàn thắng duy nhất của Iniesta. Đó là một bước ngoặt lịch sử của ĐT Tây Ban Nha, mở đầu cho mạch 35 trận bất bại liên tiếp mà đỉnh cao là chức vô địch EURO 2008 đầy thuyết phục. Cũng chính Iniesta với pha ghi bàn trong hiệp phụ trận chung kết World Cup 2010 gặp Hà Lan đã chính thức đánh dấu việc Tây Ban Nha trở thành quyền lực số một của bóng đá thế giới.

Người Anh đã nhiều năm sống với kỳ vọng vào thế hệ vàng David Beckham, Steven Gerrard, Frank Lampard, Rio Ferdinand… Song, hy vọng càng lớn thì thất vọng càng nhiều, ĐT Anh dù đã phải mời cả HLV ngoại mà vẫn trầy trật ở những giải đấu cấp châu lục.

Nếu Tây Ban Nha thăng tiến vùn vụt sau trận đấu tại Old Trafford thì  ĐT Anh xuống dốc thảm hại và không thể vượt qua nổi vòng loại EURO 2008. Sau thảm họa ấy, người Anh nhận ra rằng họ đã tự đề cao  bản thân quá mức, để rồi bị các đối thủ vượt qua lúc nào không hay.

Không còn cách nào khác, LĐBĐ Anh (FA) chấp nhận “cắp sách” đi học hỏi kinh nghiệm từ đối thủ, đặc biệt là Tây Ban Nha, nhằm tạo ra bước đột phá trong tương lai. Một lộ trình đã được vạch ra khi FA công bố kế hoạch xây dựng trung tâm bóng đá quốc gia đặt tại Burton (phía Đông Staffordshire). Đó sẽ là lò đào tạo những “hạt giống” bóng đá theo mô hình đã giúp người Tây Ban Nha thành công.

Tuy nhiên, sớm nhất thì phải đến năm 2020, FA mới kiểm nghiệm được tính hiệu quả của dự án này. Còn vào đêm thứ Bảy tới tại Wembley, ĐT Anh có một cơ hội trực tiếp học hỏi những kinh nghiệm từ ĐKVĐ Thế giới. Và không bất ngờ khi những nhân vật chủ chốt của Tam Sư đã chủ động nhún mình trước đối thủ.

Ít ngày trước, trong cuộc phỏng vấn trên báo Marca, HLV trưởng Fabio Capello của ĐT Anh đã dành rất nhiều lời tôn trọng khi nói về đội quân của người đồng nghiệp Vicente del Bosque, về Iker Casillas, Gerard Pique, Ramos, Xavi Hernandez, Fabregas, Silva, Villa và tất nhiên không thể thiếu Iniesta. “Don Fabio” cũng nói đùa rằng trong tay ông “không có cầu thủ” để đối mặt với ĐT Tây Ban Nha.

Rõ ràng, Capello có ý thừa nhận tương quan lực lượng hiện quá thiên lệch về phía đối thủ. Nhưng ông cũng cho rằng kết quả không quan trọng mà xem đây là cơ hội để thử nghiệm những cầu thủ trẻ và nghĩ về tương lai.

Hồi tháng 3 năm nay, khi Arsenal đụng độ Barca tại Champions League, HLV Pep Guardiola của đội bóng xứ Catalonia từng nhận xét về Jack Wilshere, tài năng được ca ngợi hết lời tại Anh, rằng: “Đầu mùa giải tôi không biết cậu ấy là ai. Nhưng cậu ấy là một cầu thủ tuyệt vời, không chỉ ở Arsenal mà còn cho ĐT Anh. Chúng tôi có rất nhiều cầu thủ như cậu ấy trong đội hình hai của chúng tôi”.

Nghe có vẻ Guardiola xem thường Wilshere, nhưng ngẫm lại mới thấy ông thày của Barca nói đúng, nói thật lòng. Kết quả là điều dễ nhìn thấy, nhưng quá trình đi đến kết quả thì không phải ai cũng nhận ra. Để có được những Xavi, Iniesta, Fabregas như ngày hôm nay, người Tây Ban Nha đã phải trải qua bao thất bại.

Diễn giải theo cách khác thì tuy đã có “bột” trong tay thì quá trình “gột nên hồ” vẫn là quan trọng nhất. ĐT Anh đang có những Phil Jones, Jack Rodwell, Danny Welbeck... giàu tiềm năng, nhưng làm thế nào để 3 hay 5 năm nữa họ đạt tới đẳng cấp của Pique, Sergio Busquets, Juan Mata như bây giờ? Đó chính là điều người Anh đã, đang và sẽ học hỏi từ người Tây Ban Nha.

Nhưng Capello cũng hiểu không thể rập khuôn hoàn toàn theo cách của người Tây Ban Nha. Ông nói: “Chúng ta phải cố gắng tạo ra phong cách của riêng mình dựa trên những cầu thủ mà chúng ta có. Chúng ta có những cầu thủ tốt, nhưng sẽ không phù hợp nếu chơi tiqui-taca như ĐT Tây Ban Nha”.

Rõ ràng, tất cả giờ mới chỉ là sự khởi đầu với người Anh. Tam Sư sẽ bước vào trận đấu tại Wembley với mục tiêu học hỏi là chính. Nhưng quá trình này có thể sẽ mất nhiều năm chứ không thể vội vàng.