
ĐT Anh: Gerrard liệu có còn cần thiết?
Dĩ nhiên khi Gerrard hết án treo giò, HLV Roy Hodgson không thể không sử dụng cầu thủ này nhất là khi so ở danh sách triệu tập hiện tại, tiền vệ này cùng Ashley Cole là 2 người giàu kinh nghiệm nhất khi đã cùng có 99 trận cho Tam sư. Thế nhưng thực tế là sự trở lại của Gerrard đã không mang đến kết sự tích cực như mong đợi cho đội bóng trẻ của Hodgson.
Gerrard liệu có còn cần thiết cho ĐT Anh?
Ở cái tuổi 32, những cầu thủ chuyên nghiệp và luôn biết giữ mình như Steven Gerrard chắc chắn sẽ còn thi đấu đỉnh cao trong vài năm nữa. Rõ ràng ĐT Anh vẫn cần kinh nghiệm, bản lĩnh và khả năng truyền lửa của tiền vệ đang thi đấu cho Liverpool này. Chỉ còn 1 trận đấu nữa, Gerrard sẽ gia nhập CLB những người đã thi đấu 100 trận cho ĐT Anh, con số ấy là quá đủ để ghi nhận giá trị của tiền vệ này. Thế nhưng tại sao trận đấu với Ba Lan, Gerrard đã trở lại nhưng Anh lại chơi tồi đi, đặc biệt là hàng tiền vệ?

Gerrard (phải) trở lại, Anh chẳng lợi hại thêm chút nào
Đây có lẽ mới thực sự là vấn đề đáng để quan tâm nhất lúc này, Gerrard đã trở lại nhưng để anh chơi ở vị trí nào phù hợp với lối chơi mà HLV Hodgson đang hướng tới? Trong trận đấu với Ba Lan, rõ ràng ý tưởng xây dựng dàn tiền vệ với 4 cầu thủ là Gerrard, Carrick, đá trung tâm, Milner đá cánh phải và Cleverley đá cánh trái của Hodgson đã phá sản và nếu so sánh lại với trận gặp San Marino, chắc chắn có người tin Gerrard không nên đá trung tâm.
Gerrard liệu có còn phù hợp?
Đó chắc chắn là sự bố trí kém hợp lý nhất bởi lẽ có lúc có tới 4 cầu thủ bị loạn và chồng chéo lên nhau. Ở trận gặp San Marino, rõ ràng bộ tứ Carrick, Cleverley, Walcott (Lennon) và Oxlade-Chamberlain chơi hiệu quả hơn hẳn bởi nhiệm vụ của họ phân định rất đúng. Trong khi đó, ở trận gặp Ba Lan, Gerrard và Carrick có cùng thiên hướng khi đá kiểu bọc lót và thủ nhiều hơn. Trong khi đó một cầu thủ làm nhiệm vụ phân phát bóng rất tốt như Cleverley lại bị đẩy sang cánh trái không phải sở trường nên hoàn toàn mờ nhạt.

Sở trường của Gerrard (trái) đâu phải đá phòng ngự
Không chỉ thế, trong hiệp 2, sau khi Welbeck được tung vào sân, có lúc người ta thấy có tới tận 3 cầu thủ chạy cánh trái của ĐT Anh trong hiệp đấu thứ 2 trong khi ở giữa vẫn chỉ có Gerrard và Carrick đá rất thấp. Rồi gần cuối trận, khi Oxlade-Chamberlain vào sân, tiền vệ này và Cleverley đá loạn xị cả lên. Khi đó, Gerrard vẫn trên sân nhưng chẳng giải quyết được gì và khả năng tấn công trung lộ của Anh và quá tồi. anh chỉ nguy hiểm khi dâng lên bên cánh phải với vài pha băng lên tạt bóng hoặc căng ngang.
Thêm nữa, sự năng nổ càn quét khu trung tâm của Gerrard lại vô tình khiến Carrick chẳng biết phải làm gì, đứng ở đâu vì đó vốn dĩ là nhiệm vụ của anh. Sự chồng chéo ở hàng tiền vệ của Tam sư, đó là điều ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy khi xem trận đấu này. HLV Hodgson đang xây dựng một ĐT Anh mới mẻ hơn, đan bóng và phối hợp nhiều hơn nhưng cách ông bố trí lại khiến mọi thứ không được như mong muốn.

Đã đến lúc Hodgson nên tin vào cặp tiền vệ trung tâm Cleverley - Carrick?
Đã đến lúc Roy Hodgson nên nhìn vào thực tế. Carrick và Cleverley ở giữa là ổn. Gerrard sẽ chỉ đá trung tâm khi Anh cần chơi phòng thủ. Sở trường của Gerrard vốn dĩ vẫn là dâng cao đá tấn công chứ không phải chơi phòng ngự và làm nhiệm vụ phân phối bóng lên trên chứ không phải đá như hiện tại. Nếu tiếp tục tham kinh nghiệm của cầu thủ này, Anh sẽ rất khó tiến lên được.