Bong da

Anh

"Cuộc chiến" mới ở NHA: Fan Arsenal ghen tỵ fan MU?

Cập nhật: 01/08/2014 00:19 | 0

Hai đội bóng London đua nhau "móc túi" khán giả, trong khi giá vé của MU, Man City… mềm hơn nhiều. "Cuộc đua" về giá vé của các đội bóng ở Ngoại hạng Anh (NHA) đang có nhiều thông tin nóng với "fan cuồng" của họ.

 

Chi phí để xem các trận bóng đá tại Premier League lúc này đang tăng phi mã, và điều đáng buồn là nó diễn ra ngay tại Anh quốc với các CĐV người Anh, khi họ phải trả khá nhiều tiền để được vào sân cổ vũ các đội bóng con cưng.

 

Trong một bài báo mới đây nhất của tờ Daily Mail, thông tin của tờ này khiến nhiều người ngạc nhiên khi Tottenham là đội có giá vé bình quân/trận cao nhất trong các đội ở Premier League. Đăng ký vé cả mùa cao nhất mất 1.895 bảng, và với 19 trận ở Premier League cùng 2 trận đấu cúp, như vậy mỗi trận của Tottenham mất 90,24 bảng.

 

Vé đắt vì là đất London

Trong khi đó, Arsenal đứng ngay sau "ông hàng xóm" của mình với vé cả mùa cao nhất tốn tới 2.013 bảng, cho 19 trận đấu Premier League và 7 trận đá cúp tại sân Emirates, tức trung bình 77,42 bảng. Ở Tây London, giá vé cả mùa cao nhất của Chelsea là 1.250 bảng, nhưng chỉ tính cho Premier League, tức 65,79 bảng/trận. Còn nếu là mua vé riêng thì sẽ đắt hơn.

 

Fan Tottenham rất cuồng nhiệt

 

Nhưng trong khi các đội ở London "chém" giá như vậy, khu vực Tây Bắc lại có vẻ dễ chịu hơn khi giá vé trung bình một trận của Manchester United, Man City, Liverpool và Everton đều thấp hơn 50 bảng/trận. Và những đội bóng nhỏ và tỉnh lẻ thì càng rẻ, như West Brom chỉ tốn 24,16 bảng/trận, mà đó là giá vé tối đa.

 

Thống kê mới đây cho biết giá vé ở các đội Premier League đã tăng trung bình 6,6% mỗi đội. Vé của Queens Park Rangers, Burnley và Hull tăng vọt theo tỷ lệ phần trăm sau khi thăng hạng, và có đến 13 đội bóng đã tăng giá vé cho mùa 2014/15 sắp đến. Một số đội bóng khác giữ nguyên giá vé.

 

Trong một bước ngoặt đầy tính trớ trêu, Newcastle United của ông chủ Mike Ashley, một trong số ít những ông chủ bị chính CĐV của CLB mình căm ghét, lại là đội duy nhất giảm giá vé, dù chỉ giảm có 1% (cao nhất là 710 bảng cho cả mùa).

 

Chuyện giá vé ở Premier League cũng có lắm điều kỳ lạ. Vé của Tottenham rất đắt, tuy nhiên nếu các CĐV mua gói vé đứng thì chỉ tốn chừng 40 bảng mỗi trận (và họ có thể được ngồi nếu có khán giả bỏ chỗ). CĐV mua vé cả mùa của Tottenham, tức những người trả 1.895 bảng cho cả mùa giải, mỗi trận sẽ được ban tổ chức phục vụ 4 chai bia, nhưng… không được uống trên khán đài.

 

Tại Anfield, giá vé không chỉ mềm so với chất lượng trận đấu, mà ở phía khán đài bị ánh nắng chiếu vào thì các khán giả ở đó sẽ được phát miễn phí kính râm, thậm chí đấy là loại kính râm Oakley với giá gần 40 bảng/chiếc (!?). Tuy nhiên khi các CĐV ra về thì sẽ phải nộp lại kính ở cửa an ninh, và không phải lúc nào kính cũng được phát.

 

Làn sóng fan nước ngoài

Man City, đội bóng hay bị chế nhạo là “trọc phú” ở Premier League, hóa ra lại nằm trong những đội chiều khán giả nhất về mặt tiền nong. Giá vé cả mùa khởi điểm ở mức 299 bảng, và đó là cho ghế xấu. Vé cả mùa cao nhất là 860 bảng, và con số đó là chấp nhận được so với thu nhập bình quân ở Anh (thấp nhất là hơn 8.000 bảng/năm ở độ tuổi dưới 20, cao nhất là hơn 30.000 bảng/năm cho lứa tuổi trung niên). Man City mùa trước bán ra 98,1% số vé phát hành.

 

CĐV Arsenal luôn phải trả nhiều tiền hơn CĐV MU, Man City... để vào sân

 

Tuy nhiên những biến động giá vé ở Premier League cũng giúp đẩy ra ngoài một lượng khá lớn những CĐV thuộc tầng lớp bình dân thu nhập thấp, những người cuồng nhiệt nhất về độ cổ vũ nhưng lại thấp nhất về túi tiền. Có một số lượng rất lớn các trận đấu của các CLB lớn mà một phần số vé được bán ra được mua bởi người nước ngoài, trong đó Manchester United dẫn đầu khi trung bình 23% khán giả trên Old Trafford mỗi trận là người không mang quốc tịch Anh.

 

Đây là một phần lý do giá vé ở Anh tăng mạnh: khi mà các CLB có thêm lượng khán giả mới thêm vào thành phần khán giả địa phương, họ bắt đầu tăng giá để tạo nên một cuộc cạnh tranh vô hình giữa người địa phương và du khách cho các tấm vé vào sân, và giá vé cứ thế đẩy lên.

 

Giải thích cho hiện tượng giá vé tăng chóng mặt của bốn đội bóng London (Arsenal, Tottenham, Queens Park Rangers & Chelsea), tờ Telegraph cho biết ngoài việc thu nhập trung bình và giá cả sinh hoạt ở London đắt hơn nhiều thành phố khác, giá thuê đất ở London đã tăng 12,5% trong vòng 3 năm trở lại đây.

 

Trong bối cảnh đó, các CLB London phải tăng giá vé để tránh thua lỗ. Tottenham thậm chí còn đang có ý định xây SVĐ mới, và giá vé sẽ còn tăng thêm để bù vào chi phí xây dựng. Điều này hẳn sẽ làm không ít "fan cuồng" của các đội bóng ở London, trong đó có Arsenal, cảm thấy "ghen tỵ" với fan của các đội bóng đối thủ ở Manchester không bị "móc túi" nhiều như họ ở mùa giải tới.

 

Vì vậy mà vào thời điểm này, sự phản đối về giá vé của các CĐV đang diễn ra mạnh ở các CLB London. Còn với những Liverpool, MU hay Man City, các khán giả vẫn chấp nhận giá vé vì nó không quá đắt, đi kèm với chất lượng thi đấu lẫn điều kiện dịch vụ quanh SVĐ. Tuy nhiên sự yên lặng đó lúc này chỉ là tạm thời mà thôi, bởi năm nào vé của cả 3 đội này cũng tăng đều 5%.

 

(bóng đá 24h)