Chuyển nhượng: Ai được, ai mất?
Năm nay là cột mốc chẵn 20 năm kể từ khi phán quyết Bosman ra đời. Và kể từ khi tòa án công lý châu Âu ra phán quyết Bosman, có một quy luật không thể bàn cãi: quyền lực trong bóng đá hiện đại thuộc về cầu thủ chứ không thuộc về đội bóng nữa. Hệ lụy: khi “chọn sai cầu thủ” thì hậu quả lớn nhất luôn thuộc về CLB.
Ngược lại, bạn hãy nói xem cầu thủ trong cuộc mất gì khi anh ta chuyển đến CLB mới và thất bại ở đội bóng ấy? Bất quá chỉ là mất mát bề ngoài: danh tiếng có thể sứt mẻ, nhưng lương bổng và các giá trị tài chính liên quan trong hợp đồng thì vẫn còn đấy. Suy cho cùng, tiền lương vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc đời cầu thủ nhà nghề.
Angel di Maria, Eliaquim Mangala, Diego Costa hoặc Radamel Falcao có thể khác nhau về phong độ, về mức độ đóng góp cho CLB mới của họ trong nửa mùa bóng vừa qua. Thật ra, những khác biệt ấy có khi chỉ là khác biệt theo quan điểm của người bình luận. Bóng đá vốn đã là môn thể thao của những quan điểm chuyên môn đôi khi khác nhau hoàn toàn. Số đông có thể cho rằng, Chelsea chọn Diego Costa một cách thành công. Nhưng nếu chọn Falcao thay vì Diego Costa, Chelsea có thể thành công hơn nữa? Không thể có câu trả lời.
Mặt khác, đấy là việc của Chelsea. Costa cũng như Falcao hoặc Di Maria đều giống nhau ở chỗ: chỉ có họ trả lời được câu hỏi về mức độ thành công của mình. Nếu Di Maria không thi đấu nhiều như mong muốn, không ghi bàn hoặc góp đường chuyền thành bàn nhiều như mong muốn, thì thu nhập của anh ở M.U có bị ảnh hưởng? Di Maria đến M.U để thành công trên sân cỏ hay anh đến M.U để có thu nhập tốt hơn?
Trên nguyên tắc, đội bóng chuyển nhượng (mua người) càng nhiều thì xác suất thất bại càng cao, vì quyền lợi về tài chính của cầu thủ luôn được đảm bảo (độc lập với phong độ), trong khi giá trị chuyên môn mà đội bóng dự kiến khai thác nơi những cầu thủ ấy lại bấp bênh. UEFA đề ra quy định công bằng tài chính cũng vì sự khập khiễng này, vì UEFA đứng về phía các đội bóng hơn là cầu thủ. Tòa án Liên minh châu Âu bảo vệ người lao động, còn UEFA bảo vệ thành phần sử dụng lao động. Đấy là cán cân chính trị trong bóng đá châu Âu.
Di Maria, Diego Costa, Mangala hoặc Falcao còn giống nhau ở một chi tiết quan trọng: họ đều làm việc với “siêu đại diện” Jorge Mendes. Chỉ trong mùa Hè 2014, Mendes đã “đạo diễn” cho những cuộc chuyển nhượng có giá tổng cộng hơn 250 triệu euro, và bỏ túi hơn 25 triệu euro. Lương một năm của siêu sao Cristiano Ronaldo chỉ là 17 triệu euro. Tất nhiên, đi đôi với khoản tiền “cò” vĩ đại mà nhà đại diện Mendes bỏ túi phải là những quyền lợi to lớn mà ông đem lại cho các ngôi sao thì mối quan hệ giữa ngôi sao với nhà đại diện mới bền vững.
Giới chuyên môn cứ việc đúc kết, phân tích sự thành, bại của những bản hợp đồng lớn. Thành công? Thế thì quá tốt cho mọi phía liên quan. Thất bại? Càng tốt cho giới đại diện, như Mendes, vì đã thất bại thì lại... tiếp tục chuyển nhượng. Với những nhân vật đầy quyền lực trong bóng đá chuyên nghiệp như Mendes, có lẽ điều đáng sợ nhất chỉ là: người ta... không bàn đến sự thành bại của các tân binh!