Chelsea thu về 141 triệu bảng từ thanh lý "hàng tồn"
* Tổng hợp chuyển nhượng ngày 31/7
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
Ví dụ điển hình là thương vụ Eric Cantona gia nhập M.U chỉ với giá 1,5 triệu bảng sau khi mối quan hệ giữa ông và Howard Wilkinson tại Leeds đổ vỡ. Sunderland trả 10 triệu bảng cho tiền vệ bị thất sủng Adam Johnson, còn Liverpool cũng chỉ mất 12 triệu bảng để sở hữu Daniel Sturridge, trong khi giá trị hiện tại của tiền đạo này chí ít cũng phải gấp đôi.
Nhưng với Jose Mourinho lại khác. HLV của Chelsea có khả năng đòi hỏi một khoản tiền lớn cho những cầu thủ ông chẳng hề cần tới. Kể từ khi trở lại Stamford Bridge, nhà cầm quân người Bồ đã đẩy đi 5 cầu thủ, và tổng số tiền ông thu về lên tới 141 triệu bảng.
Kevin De Bruyne chỉ ra sân 2 lần tại Premier League trong màu áo Chelsea sau khi được đưa về với giá 6,7 triệu bảng từ Genk, nhưng lại "ngốn" của Wolfsburg tới 18 triệu bảng hồi tháng 1 năm nay.
M.U phá kỉ lục chuyển nhượng của CLB để chiêu mộ Juan Mata cũng trong tháng 1, với giá 37 triệu bảng, mặc dù tiền vệ người Tây Ban Nha chỉ ra sân 14 lần dưới thời Mourinho. Demba Ba tới Besiktas với giá 8 triệu bảng trong kỳ chuyển nhượng Hè này, nhiều hơn 1 triệu so với những gì Chelsea từng bỏ ra để có anh, cho dù tiền đạo 29 tuổi chỉ có mặt trong đội hình xuất phát 23 lần trên mọi đấu trường suốt 18 tháng.
Chưa hết, hồi tháng 6, PSG đã chuyển vào tài khoản đội bóng Tây London 50 triệu bảng để đổi lấy sự phục vụ của David Luiz, một mẫu hậu vệ vốn chẳng được lòng Mourinho và còn xếp sau cả John Terry lẫn Gary Cahill về thứ tự ưu tiên. Đó là một mức giá chuyển nhượng kỉ lục thế giới dành cho một hậu vệ.
Và mới đây, Everton cũng đã lập kỉ lục mua sắm nội bộ bằng việc trả 28 triệu bảng cho Chelsea để chính thức sở hữu tiền đạo trẻ Romelu Lukaku.
Như vậy, 5 bản hợp đồng mới đã mang lại cho Chelsea tổng số lợi nhuận 60 triệu bảng. Đó là một con số đầy ý nghĩa ngay cả với một CLB lắm tiền nhiều của như The Blues, bởi chỉ nhờ bán những cầu thủ không cần thiết mà bộ luật Công bằng tài chính đã không còn quá gây lo lắng cho họ nữa.
Vậy bằng cách nào Mourinho có thể kiếm lợi nhuận từ những ngôi sao thất thế dưới tay ông như thế? Đó là câu hỏi mà giới chuyên môn rất mong được biết.
Thực ra, trong từng trường hợp, Chelsea lại căn cứ vào những ưu điểm của các cầu thủ để đẩy giá của họ lên cao nhất có thể.
De Bruyne còn trẻ, là một tiền vệ tấn công bùng nổ có nền tảng kỹ thuật đủ để thành công tại Bundesliga, một đầu tàu cho Wolfsburg. Cũng tại nước Đức mùa giải trước đó, trong màu áo Werder Bremen, tài năng trẻ người Bỉ từng chơi rất ấn tượng, ghi 10 bàn sau 33 trận đấu.
Một ngôi sao như Mata là mẫu cầu thủ mà M.U rất cần trong giai đoạn khủng hoảng, giúp David Moyes cân bằng lại chiếc ghế vốn đang lung lay dữ dội, cũng như Ed Woodward thêm tự tin trong các thương vụ tiếp theo trên TTCN. “Quỷ đỏ” khi ấy không còn được Mourinho xem là một đối trọng, tuy nhiên vẫn đẩy giá trị lên cao nhất.
Besiktas cần một tiền đạo cắm hiệu quả, và Demba Ba, với những gì đã thể hiện tại Newcastle, đảm bảo cho họ điều đó. Bản hợp đồng còn thời hạn 2 năm với đội chủ sân Stamford Bridge cũng khiến giá trị của anh cao hơn.
Trong khi đó, PSG đơn thuần là quá khao khát những hào quang xung quanh các ngôi sao lớn. Với khả năng tấn công, chuyền bóng, sút xa và lối chơi ngẫu hứng, Luiz được xem là một... hậu vệ siêu sao. Tuy vậy, cái giá Chelsea thu về vẫn khiến nhiều con mắt phải trợn tròn sửng sốt.
Cuối cùng, Lukaku là một tiền đạo đã khẳng định được mình tại Premier League và hoàn toàn phù hợp với hệ thống chiến thuật của HLV Roberto Martinez ở Everton. Bằng việc chấp nhận mua anh với giá đắt, The Toffees chứng tỏ rằng họ đủ lực nâng tầm bản thân, bên cạnh việc gia hạn thành công với ngôi sao trẻ Ross Barkley.
Sau tất cả, Mourinho sẽ là người vui sướng nhất. Ông đã thanh lọc thành công những cầu thủ không còn giá trị, và vẫn còn nhiều tiền để tái đầu tư.