Chelsea: Quỷ ám hay tự kỷ?
May mắn không đủ...
Đại văn hào Mỹ, Gore Vidal từng nói: “May mắn không đủ làm nên chiến thắng. Điều quan trọng là những người còn lại phải thua cuộc”. May mắn luôn là bạn đồng hành của Man Utd trong mỗi chiến tích. Nhưng họ thường xuyên tạo ra sự khác biệt mỗi khi nhận được đặc ân của số phận, luôn làm được cái điều còn khó hơn cách nhận may mắn, đó là giữ nó cho riêng mình để khiến đối thủ thua cuộc. Chelsea có thể oán trách định mệnh khắc nghiệt, có thể nguyền rủa trọng tài Clattenburg đã mắc quá nhiều sai lầm, thậm chí có thể nói chính tiếng còi của ông đã làm sập cây cầu Stamford.
Tuy nhiên, chính Chelsea đã không tạo ra may mắn, khi để thua trước khi Clattenburg “ra tay”. Và đó mới là cuộc sống, luôn chứa những bất ngờ có cả may mắn và xui xẻo với ranh giới không bao giờ được xác định rõ.
Khi thành công, người ta thường cảm thấy mình vĩ đại và kể ra hàng ngàn thứ bất lợi. Còn khi thất bại thì chẳng ai nói đến những lợi thế mà mình đã để tuột mất. Không khó để nhận thấy xuất phát điểm của Chelsea hơn hẳn Man Utd: Sân nhà, sự ổn định, khoảng cách an toàn về điểm số. Nhưng đội chủ nhà đã tận dụng ưu thế đó như thế nào? Sau 4 phút là một bàn thua (Luiz phản lưới). Sau 12 phút là lần thứ 2 thủng lưới (Van Persie lập công). Nếu Clattenburg không mắc sai lầm hay Chelsea không thủng lưới 2 bàn từ quá sớm thì chắc gì họ đã thắng. Đó là chưa kể chính Clattenburg đã bỏ qua một quả penalty cho Man Utd khi hậu vệ Luiz để bóng chạm tay trong vòng cấm sau bàn thua thứ 2. Đến đây lại có một từ “nếu” nữa: Nếu có penalty và 3-0 cho Man Utd, liệu Chelsea có thể đảo ngược thế cuộc?
Có phải vì... đen?
Cây cầu Stamford oằn mình hứng chịu giống tố. Rồi nó sập xuống trong cơn điên đảo tận cùng. Hai thẻ đỏ. Rồi bàn thua thứ 3 quyết định của Chicharito ở tư thế việt vị. Trong hoàn cảnh ấy, có thần Zeus hiện hình cũng khó đỡ nổi số phận Chelsea. Nhưng kết cục đó chỉ là sự trừng phạt cho một hệ thống thi đấu lỏng lẻo. Nó tồn tại trong quá nửa hiệp 1, khi Chelsea có đủ người chứ không chỉ ở hơn chục phút cuối trận. Hàng thủ Chelsea đã được nhắc đến như một điểm yếu chết người từ rất lâu rồi, nhưng HLV Di Matteo dường như chấp nhận chơi bài lấy công bù thủ. Vì thế họ thủng lưới 4/5 trận trước đó với tổng số bàn thua là 6. Đến Shakhtar, Norwich, Tottenham hay Arsenal đang khủng hoảng hàng công còn ghi được bàn vào lưới Cech, vậy mà Di Matteo lại dùng triết lý lấy bàn thắng bù bàn thua để cợt nhả với hàng công siêu hạng của Man Utd. Điều đó có hợp lý?
Không ai phủ nhận Chelsea đã bị “xử ép” vì sự yếu kém của trọng tài. Thậm chí họ có thể cuốn bay cơn lốc đỏ trong cơn cuồng nộ của kẻ bị trọng thương. Nhưng giá như đội chủ nhà làm điều đó sớm hơn, giá như hàng phòng ngự không bị thủng lưới 2 bàn từ quá sớm, có khi bi kịch này đã không diễn ra.
Trên thế giới có nhiều người cực kỳ đen đủi đến mức được ghi vào sách kỷ lục Guinness, như ông Frane Selak hứng chịu hơn chục vụ tai nạn giao thông từ tàu bè, máy bay, tàu hỏa; anh John Lyne nhận gần 20 vụ tai nạn, sét đánh, uống nhầm thuốc tẩy… nhưng họ vẫn sống. Vậy nên gọi họ là người xui xẻo hay may mắn?
Cầu Stamford có thể bị Quỷ ám sập. Nhưng chắc chắn sau thảm họa nó sẽ được xây dựng lại. Tự nhìn nhận lại mình, nhìn nhận lại ý nghĩa của may mắn và xui xẻo, biết đâu Chelsea sẽ hoàn thiện hơn…
Cahill chỉ trích HLV Di Matteo
Ngay sau trận thua Man Utd, trung vệ Cahill đã “tố giác” điểm yếu của đội nhà khi thẳng thắn chỉ trích chính sách quay vòng cặp trung vệ của HLV Di Matteo giữa Terry, Cahill và D.Luiz. “Tôi đã rất bực bội vì chính sách quay vòng. Tôi cho rằng mỗi cầu thủ cần có một quãng thời gian thi đấu đủ lâu để tạo thành một hệ thống”. Trên lý thuyết, việc Di Matteo có nhiều trung vệ tốt và xoay tua là điều hợp lý. Tuy nhiên, phản ứng của Cahill cũng đưa ra một vấn đề nội bộ của Chelsea mà Di Matteo cần giải quyết ngay, ít nhất là về tư tưởng.