Bong da

Anh

Chelsea: Độc cô cầu bại

Cập nhật: 04/03/2015 14:57 | 0

Chelsea đã có danh hiệu đầu tiên ở mùa này, khá sớm sủa với chiếc Cúp Liên đoàn Anh 2015. Chức vô địch Premier League cũng đã gần hơn với The Blues, sau khi Man City thất bại trước Liverpool.

Chelsea: Độc cô cầu bại
Chelsea: Độc cô cầu bại
Danh hiệu Champions League tuy khó, song cũng không hẳn ngoài tầm với. John Terry khá thận trọng nhưng cũng phấn khởi cho rằng “chiếc Cúp Liên đoàn có thể là khởi đầu của những điều tốt đẹp tiếp theo”. Còn Jose Mourinho thì lại được thế “chém gió”: “Nếu mùa này tôi không đoạt một chiếc cúp nào, có thể sẽ nghĩ đến chuyện giải nghệ sớm!”.

Một màu xanh hy vọng đang phủ tràn Stamford Bridge, khiến không ít người nhớ lại tuyên bố xanh rờn của Peter Kenyon ngày nào. Cựu giám đốc điều hành Chelsea từng nói: “The Blues sẽ phủ xanh bóng đá Anh và thống trị thế giới”. Mới đây, cây bút uy tín John Brewin đã viết trên ESPN rằng “đã có thể dự báo về kỷ nguyên thống trị của Chelsea”. 

Cả hai từ “thống trị” và “kỷ nguyên” đều mang ý nghĩa to tát, cả trong bóng đá lẫn đời thường. Người ta đã thấy tô phở hay tô hủ tíu với tham vọng lập kỷ lục Guinness, nhưng rốt cuộc chẳng ai ăn được vì thịt trương bánh vữa. Con người rất hay muốn mình là nhất, trong khi đôi khi cái nhất ấy chẳng để làm gì và cũng không dễ đạt đến. 


Trong bóng đá đỉnh cao, từng có rất nhiều đội bóng lớn thậm chí được cho là vĩ đại, nhưng có rất ít đội đáng được xem là thống trị. Real Madrid 5 lần liên tiếp vô địch châu Âu cách đây hơn nửa thế kỷ. AC Milan từng 58 trận liên tiếp bất bại. Tây Ban Nha vô địch liên tiếp 3 giải lớn từ 2008 đến 2012. Trong bóng đá Anh, Arsenal từng bất bại và lên ngôi vô địch Premier League mùa 2003/04. 

Những thành tích kể trên đều đáng khâm phục, nhưng chỉ có thành tích của Real và tuyển TBN xứng đáng được gọi là thống trị. Một kỷ nguyên thống trị là cụm từ chính xác, nhưng thời gian cũng chẳng lâu (chỉ cỡ 4, 5 năm). Mourinho chính là người đầu tiên gạt bỏ ý nghĩ “thống trị” của Chelsea. Chính ông cùng Chelsea đã chấm dứt tham vọng thống trị của Arsenal “bất bại” cách đây đúng 10 năm, khi The Blues khá dễ vô địch Premier League 2004/05. Cũng chính Mourinho đã cùng Real dập tắt tham vọng thống trị bóng đá TBN của Barcelona vĩ đại của Guardiola và Messi.

So với những đội bóng đáng liệt vào tầm vóc huyền thoại, Chelsea của Mourinho hiện nay chưa là gì cả. Đó là đội bóng vừa run rẩy thủ hòa Burnley 1-1 trên sân nhà Stamford Bridge dù đã có bàn dẫn điểm trước. Chelsea ở trận chung kết Cúp Liên đoàn 2015 chỉ thắng nhờ tận dụng cơ hội trong một tình huống cụ thể chứ không hẳn hơn Tottenham về thế trận. Và còn cần nhắc đến vận may nữa, nếu pha đá phạt tuyệt đẹp của Christian Eriksen trong hiệp 1 thành bàn thì ý đồ phòng ngự phản công yêu thích của Chelsea - Mourinho đã phá sản hoàn toàn. 

Bài học lớn trong bóng đá Anh là hãy quên ý nghĩ “thống trị” đi! Từ năm 2009 đến nay, Premier League năm nào cũng có ông vua mới. Năm nay có lẽ cũng không khác. Trong quá khứ, khi Chelsea chưa kịp (và chính xác hơn là không thể) thống trị bất kỳ giải nào thì Kenyon đã phải ra đi. Hiện tại, bóng đá Anh với nguồn doping từ bản quyền truyền hình mới sẽ tạo sân chơi cực kỳ hấp dẫn và mang tính cạnh tranh cao hơn nữa, bởi những đội bóng trung bình hoặc khá sẽ mua được danh thủ gây khó dễ cho cuộc đua ở tốp đầu Premier League. 

Tóm lại, với Chelsea thì được gì hay nấy, không nghĩ quá xa xôi và cũng không tự huyễn hoặc mình. Đó mới chính là khôn ngoan, mà ai cũng hiểu Mourinho thừa phẩm chất này! 


(báo bóng đá)