Bong da

Anh

Chelsea: Cố trao ấn tín cho kẻ không đủ tố chất làm vua

Cập nhật: 27/07/2014 10:00 | 0

Chelsea và các fan của mình có vẻ hào hứng đón chào sự trở lại của Didier Drogba, dù cầu thủ này đã 36 tuổi. Ở độ tuổi tương tự, Frank Lampard bị The Blues tống cổ sang Mỹ. Và dù chỉ mới 33 tuổi song Ashley Cole cũng không còn đất dụng võ ở sân Stamford Bridge nên đành dạt sang Serie A.

Chelsea: Cố trao ấn tín cho kẻ không đủ tố chất làm vua
Chelsea: Cố trao ấn tín cho kẻ không đủ tố chất làm vua
* Tổng hợp chuyển nhượng ngày 26/7
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014

Trong khi đó, Drogba sau khi rời Chelsea đã chơi bóng ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ trước khi bất ngờ được Jose Mourinho triệu tập về Stamford Bridge. 

Người ta đã nói quá nhiều đến dụng ý của Chelsea (và nhất là Mourinho) khi Drogba trở lại. Ừ, thì lý thuyết cứ cho là cầu thủ người Bờ Biển Ngà sẽ giúp Mourinho “bình định” phòng thay đồ của The Blues, nếu vậy Drogba sẽ phải là thủ lĩnh tinh thần sáng giá. Liệu có thể tin điều đó? 

Claude Makelele, đồng đội của Drogba ở thời kỳ hoàng kim của Mourinho tại Chelsea, không tin như vậy. Theo Makelele, phẩm chất tuyệt vời nhất của Drogba trước nhất là chuyên môn giỏi, giống đồng đội của anh ở tuyển Pháp là Zinedine Zidane. Makelele nói: “Chẳng qua, người ta cứ cố “ấn” vào tay Zidane cũng như Drogba chiếc băng thủ quân khi không còn người nào khác xứng đáng hơn, điều đó cũng giống như khen Maradona là HLV giỏi trong khi thực chất chỉ xuất sắc khi đá bóng”.



Makelele có lý. Chuyện Maradona có phải là HLV giỏi hay không, miễn bàn vì quá rõ ràng. Còn chuyện Zidane và Drogba? Một thủ lĩnh tinh thần sẽ không nóng nảy húc đầu vào Marco Materazzi ở trận chung kết World Cup 2006, khiến tuyển Pháp đánh mất cơ hội cực lớn vô địch thế giới lần thứ 2 (cũng đồng nghĩa Italia không thể lần thứ 4 vô địch World Cup). Một thủ lĩnh tinh thần cũng sẽ không nóng nảy gây sự với trọng tài Henning Ovrebo ở vòng bán kết Champions League 2008/09 dẫn đến án cấm thi đấu 6 trận từ UEFA. Thủ lĩnh tinh thần cũng không thể nhận thẻ đỏ vì lỗi hành hung Nemanja Vidic ở trận chung kết Champions League 2008. Ở cả hai ví dụ nổi bật kể trên và đều là những trận đấu quan trọng bậc nhất trong lịch sử Chelsea, Drogba đã “gây án” và The Blues đều là đội thua cuộc. 

Tất nhiên, sau đó Drogba đã tỏ ra ân hận nói lời xin lỗi đồng đội và HLV, và được tha thứ. Anh cũng đã đoái công chuộc tội bằng cách ghi bàn trong cả 4 trận chung kết giúp Chelsea vô địch 4 Cúp FA, chưa kể những bàn thắng và phong độ cực kỳ ấn tượng khi The Blues vô địch Champions League 2012. Tuy nhiên, chuyện nào ra chuyện đó, Chelsea không thể ăn mày dĩ vãng còn Drogba hiểu rõ những thử thách lớn đang chờ đón anh trong hiện tại.



Không phải ngẫu nhiên Makelele nhắc lại chi tiết hiếm khi Drogba được đeo băng thủ quân Chelsea. Ở đội tuyển Bờ Biển Ngà với thủ lĩnh Drogba và dàn cầu thủ siêu sao (ở bình diện châu Phi), đội bóng này chưa bao giờ vô địch châu Phi. Chi tiết hơn, Drogba sút hỏng penalty, sau đó BBN thua Zambia ở loạt sút luân lưu 11m trong trận chung kết cúp châu Phi 2012. Đó là lần thứ hai BBN thua ở loạt “đấu súng” trong trận chung kết cúp châu Phi, lần đầu là vào năm 2006 trước Ai Cập. Người sút hỏng ở loạt sút 11m khiến BBN ôm hận không ai khác chính là… Drogba! 

Thế là đã rõ. Quá nhiều dẫn chứng cho thấy Drogba không có thần kinh thép. Sau khi Lampard và Ashley Cole ra đi, Chelsea giờ chỉ còn Petr Cech và John Terry cùng thời khi Drogba mới đến Stamford Bridge, còn lại là rất nhiều gương mặt mới đều là sao. Họ có quyền không nghe Drogba, giống các tuyển thủ Pháp không thèm cho Thierry Henry họp đội ở World Cup 2010. Drogba hay Henry chỉ “có uy” khi ở đỉnh cao phong độ. Dùng sai mục đích sẽ phá hỏng tất cả, Drogba dễ “tự kỷ” (vì nói không ai nghe) còn Mourinho sẽ chẳng lợi lộc gì khi chiêu mộ cầu thủ không còn đá chính ở tuyển BBN, nghĩa là “trình” không đủ chơi cho Chelsea.


(báo bóng đá)