Trước đó, Chelsea đã bán Yuri Zhirkov cho Anzhi Makhachkala (đó cũng được xem là điểm đến sắp tới của Arshavin). Xa hơn, cầu thủ Nga bám trụ thuộc dạng lâu nhất ở Premier League là Alexei Smertin (anh đã chơi chừng 5 mùa bóng ở hạng đấu cao nhất của nước Anh) cũng đã phải trải qua khá nhiều long đong lận đận trước khi giải nghệ. Chừng ấy những "tấm gương" có lẽ là đủ để đặt ra nghi ngờ cho khả năng thành công của Pavel Pogrebnyak, người mới chuyển từ Stuttgart sang Fulham.
Arshavin sẽ là cầu thủ Nga tiếp theo hồi hương? - Ảnh Getty
Không thể nói rằng những cầu thủ Nga không tạo ra được dấu ấn đáng kể nào trên đất Anh. Mùa bóng đầu tiên chơi cho Arsenal, Arshavin ghi 6 bàn và kiến tạo 7 lần sau 12 lần ra sân ở Premier League. Bilyaletdinov, dù chỉ là một tiền vệ, cũng đã nổ súng 6 lần trong mùa bóng ra mắt trên đất Anh, và được đánh giá rất cao nhờ nền tảng thể lực sung mãn lẫn khả năng bùng nổ (anh thậm chí còn ghi một bàn vào lưới Manchester United ở mùa đầu tiên cho Everton, và pha lập công đó được nội bộ đội Everton bầu là bàn thắng của mùa bóng). Pavlyuchenko đã gặp khó khăn trong việc hòa nhập và phong độ bị ngắt quãng bởi những chấn thương liên miên, nhưng 41 bàn sau 111 trận cho Tottenham qua 4 mùa bóng không hề là một con số tồi tệ.
Cách sinh hoạt của các cầu thủ Nga, vốn khá hiền lành và không giao tiếp quá nhiều với truyền thông, cũng là một đặc điểm phù hợp để họ có thể chuyên tâm phát triển nghề nghiệp. Nhưng chỉ thế là chưa đủ để duy trì sự thành công ở nước Anh.
Cầu thủ Nga hơi "ngố"?
Nhưng sự "chân phương" cầu thủ Nga, những tính cách có thể giúp họ cảm thấy thoải mái ở TBN hoặc Đức, lại trở thành một rào cản cho sự hòa nhập của họ ở nước Anh. Tại đây, khi truyền thông phát triển theo hướng thị phi khá mạnh và đòi hỏi cách ứng xử khéo léo, thì sự kín đáo và có phần quá thật thà của các cầu thủ Nga khiến họ trở nên lạc lõng.
Cô vợ Yulia của Arshavin từng lên báo bô bô rằng người Anh rất bảo thủ, thức ăn ở London dở tệ và cuộc sống thì tẻ nhạt, khiến các CĐV thủ đô phẫn nộ và đòi tẩy chay. Hài hước là sau đó thì cầu thủ người Nga lập tức đăng đàn "chữa cháy" rằng anh đã "dạy vợ" tử tế rồi, và cấm cô ta nói xấu nước Anh, để mong được sự tha thứ. Trong một cuốn sách có tựa đề "55 câu hỏi và trả lời về phụ nữ, tiền bạc, chính trị và bóng đá", Arshavin thậm chí còn "hồn nhiên" chứng tỏ sự gia trưởng của mình bằng những phát biểu kiểu "nên cấm phụ nữ lái xe, thu hồi bằng lái của họ, vì họ lái nguy hiểm lắm", rồi "tôi ghét đàn bà hút thuốc và hay nói dối". Mới đây, thì anh công khai chỉ trích HLV Wenger rằng "ở đây, cầu thủ phải ngồi dự bị chẳng phải vì anh ta thi đấu ra sao".
Ngôn ngữ cũng là một rào cản lớn khác của các cầu thủ Nga. Pavlyuchenko thừa nhận với báo chí Anh rằng học hành không phải sở trường của anh và dù đã bỏ ra 4 tiếng rưỡi đồng hồ mỗi ngày trong năm đầu ở Tottenham để học tiếng Anh, thì trình độ ngoại ngữ của anh vẫn chưa được cải thiện là bao. Tại Chelsea trước đây, Zhirkov gần như chỉ có thể giao tiếp với Petr Cech, vì thủ môn người Czech cũng biết tiếng Nga.
Người khá nhất về ngoại ngữ là Arshavin, nhưng trình độ của anh cũng chỉ dừng ở mức "tôi phải tư duy bằng tiếng Nga rồi mới dịch ra tiếng Anh", và tại Arsenal, thì... tiếng Pháp mới là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất. Smertin, người được coi là hòa nhập tốt nhất với văn hóa và ngôn ngữ của nước Anh, cũng từng bị các đồng đội ở Chelsea "chọc quê" vì chọn một bài tiếng Nga khi hát bài ra mắt cả đội. Ban nhạc lúng túng vì không biết phải đánh ra sao, còn các đồng đội thì "tặng cho tôi một đống khăn ăn".
Thích ứng với... thời tiết, cách ăn uống và lối chơi nhanh của bóng đá Anh cũng là điểm yếu của các cầu thủ Nga. Các bác sĩ của Chelsea kết luận rằng việc dị ứng thời tiết và không hợp với chế độ ăn uống ở Anh đã khiến Zhirkov hồi phục khá chậm sau khi chấn thương. Pavlyuchenko cũng tiết lộ rằng anh gặp khó khăn với cách chơi quá nhanh của bóng đá Anh, sau khi đã quen thuộc với lối chơi khá "lờ đờ" Nga.
Với sự kém thích ứng về mặt văn hóa, ngôn ngữ và cả cách ứng xử ở một đất nước mà truyền thông lắm thị phi như ở Anh, cộng thêm với tính cách không hề mạnh mẽ để vượt qua những rào cản ấy, việc những chú gấu Nga phải trở lại mảnh đất quen thuộc với họ, nước Nga, không hề là điều kỳ lạ!
Phạm An
"Cầu thủ Nga chỉ hám tiền" Kém thích ứng có thể là một lý giải, nhưng theo cựu ngôi sao từng khoác áo Man United, Andrei Kanchelskis, thì cầu thủ Nga không thành công ở Premier League là vì... hám tiền. Cụ thể, Kanchelskis từng nêu ra tên của Andrei Arshavin, Diniyar Bilyaletdinov của Everton và Roman Pavlyuchenko của Tottenham, và cho rằng họ không có đủ nghị lực để tồn tại ở Anh, trong một bài phỏng vấn vào cuối năm ngoái: "Các cầu thủ chỉ nghĩ đến tiền bạc, và đó là vấn đề. 3 cầu thủ Nga ở Premier League từng có quãng thời gian chơi bóng ấn tượng, nhưng họ không duy trì được lâu, và sẽ sớm trở lại Nga thôi. Họ phải khát khao chơi bóng, hơn là khát khao kiếm được nhiều tiền". |
Thethaovanhoa.vn