Bong da

Anh

Các đội bóng ứng phó với chấn thương: Cái khó ló cái khôn

Cập nhật: 08/01/2015 13:38 | 0

Bão chấn thương đã tàn phá trên diện rộng ở Premier League trong nửa đầu mùa giải 2014/15. Nhưng trong cái khó lại ló cái khôn. Tình trạng chấn thương lan tràn trở thành động lực cho sự sáng tạo và một số đội bóng đã thành công với hướng đi mới.

Các đội bóng ứng phó với chấn thương: Cái khó ló cái khôn
Các đội bóng ứng phó với chấn thương: Cái khó ló cái khôn
THỜI THẾ TẠO ANH HÙNG
Thời điểm Olivier Giroud dính chấn thương nặng ở xương ống chân hồi cuối tháng 8/2014, không ít người đã e ngại cho sức mạnh tấn công của Pháo thủ. Có thể hiểu được sự bi quan đó, bởi Giroud là cây làm bàn hàng đầu của Arsenal mùa giải trước với 16 bàn thắng tại Premier League. Thế nhưng, điều mà CĐV ở sân Emirates lo ngại đã không diễn ra. Arsenal hiện đang là CLB ghi bàn nhiều thứ 3 của giải đấu, với 34 pha lập công sau 20 vòng đấu, chỉ kém hai đội dẫn đầu là Chelsea và Man City (cùng 44 bàn).

Giroud dính chấn thương nặng ở xương ống chân

Chấn thương của Giroud không kéo theo thảm họa, ngược lại còn tạo điều kiện cho Alexis Sanchez. Hồi đầu mùa giải, tiền đạo người Chile thường phải chơi khá xa khung thành. Nhưng kể từ khi Giroud vắng mặt, mọi thứ hoàn toàn thay đổi. Do Danny Welbeck không mạnh ở khâu dứt điểm, nên HLV Arsene Wenger đẩy Sanchez lên cao, thường xuyên có mặt trong vòng cấm. Nhờ thế mà tiền đạo nhỏ con này đã có tới 10 pha lập công, trở thành chân sút có số bàn thắng nhiều thứ 4 tại Premier League ở thời điểm hiện tại.

Alexis Sanchez chỉ là một trong nhiều cầu thủ được hưởng lợi từ cơn bão chấn thương lan tràn tại Premier League. Tại Man United, những hậu vệ trẻ như Paddy McNair, Tyler Blackett cũng đã có cơ hội ra sân thi đấu, nhờ hàng loạt đàn anh như Phil Jones, Marcos Rojo, Jonny Evans… nằm điều trị trong phong y tế.

TÁI ÔNG THẤT MÃ
Vấn nạn chấn thương không chỉ đem tới cơ hội cho nhiều cầu thủ, mà còn giúp một số đội bóng tìm ra hướng đi mới tươi sáng hơn. Man City là minh chứng cho điều đó. Đội bóng áo xanh thành Manchester mất cả 3 tiền đạo Sergio Aguero, Edin Dzeko, Stevan Jovetic trong giai đoạn cuối năm 2014. Chính điều đó đã buộc Man xanh phải thay đổi và thu được thành công. Thời gian qua, Man City ra sân với sơ đồ không có tiền đạo thực thụ nào, thay vào đó các tiền vệ tích cực chạy chỗ, luân phiên nhận trách nhiệm dứt điểm. Sơ đồ mới này giúp nhà ĐKVĐ Premier League thắng hết trận này đến trận khác để san bằng cách biệt với Chelsea trên đường đua tới ngai vàng.


Tương tự, Liverpool cũng tạo ra bước đột phá khi mất nhân sự tốt nhất trên hàng công. Trước tình trạng chấn thương kéo dài của chân sút Daniel Sturridge, HLV Brendan Rodgers đã quyết định đưa tiền vệ trẻ Raheem Sterling lên chơi ở vị trí cao nhất. Nhờ thế mà sức mạnh hỏa lực của Liverpool tăng lên trông thấy. 5 vòng đấu gần đây, trung bình The Kop ghi được 1,8 bàn/trận. Trong khi trước đó mỗi trận họ chỉ có 1,3 bàn. 

Rõ ràng chấn thương không chỉ đem tới khó khăn, đôi khi nó còn là cơ hội để tìm kiếm những giải pháp mới hiệu quả hơn. Việc mất một loạt cầu thủ có thể trở thành thảm họa hay không phụ thuộc vào thái độ tiếp cận, cũng như khả năng ứng biến của các nhà cầm quân. Câu chuyện “Tái ông mất ngựa” đã ứng với trường hợp của Man City và Liverpool ở mùa giải này.


(báo bóng đá)