Bong da

Anh

Bình luận: Chelsea, kẻ “ăn xổi” chuyên nghiệp!

Cập nhật: 31/07/2014 12:00 | 0

Mua tài năng trẻ, gửi gắm ở những CLB khác, rồi bán tháo ngay khi được giá, đó là cách mà Chelsea đã và đang tiếp tục làm trên thị trường chuyển nhượng. Xét cho cùng, đó là một kiểu làm ăn thiếu tầm nhìn của The Blues.

Bình luận: Chelsea, kẻ “ăn xổi” chuyên nghiệp!
Bình luận: Chelsea, kẻ “ăn xổi” chuyên nghiệp!
* Tổng hợp chuyển nhượng ngày 30/7
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014

Sự kiện tiền đạo Romelu Lukaku, dù đã chơi rất hay trong những giai đoạn được đem đi cho mượn, vẫn không thể lọt vào “mắt xanh” của HLV Jose Mourinho và đành phải cập bến Everton, là minh chứng rõ ràng nhất cho phong cách đào tạo và chuyển nhượng cầu thủ trẻ của Chelsea. Danh sách những ngôi sao trẻ đã từng bị vùi dập tài năng tại sân Stamford Bridge không hề ngắn. Có thể kể ra đây những Kevin de Bruyne, Gael Kakuta, Marko Marin, hay trước đó là những Scott Sinclair, Daniel Sturridge hay Steve Sidwell.

Sự thật là Chelsea cũng đã ý thức được việc phải bồi bổ cho những thế hệ sau của đội bóng, chứ không thể trông chờ mãi vào những đồng rúp của ông chủ Roman Abramovich. Họ từng mua rất nhiều những “viên ngọc thô” với giá rẻ, tiêu biểu như Bertrand Traore, Lucas Piazon, Patrick van Aanholt. Nhưng sau đó họ không được giữ lại cho CLB, mà lại được phân tán sang những địa chỉ nhỏ hơn. Và rồi sau khi trưởng thành, tỏa sáng, họ sẽ bị đem bán hòng sinh lời cao. Kevin de Bruyne, người từng đem về cho Chelsea 18 triệu bảng (sang Wolfsburg), sau khi chỉ tốn của CLB này 7 triệu bảng để sở hữu, là một dẫn chứng thuyết phục.


De Bruyne (trái) từng được đánh giá cao trong màu áo Chelsea

De Bruyne đã chơi tuyệt hay tại World Cup 2014, và trước đó anh cũng đã thể hiện được tiềm năng của mình trong những lần hiếm hoi được góp mặt trong đội hình Chelsea. Nhưng vấn đề nằm ở cách nghĩ và cách làm của bộ đôi Mourinho - Abramovich. Họ đều không phải là những người chuộng cách đào tạo trẻ như Arsene Wenger, họ thích những cầu thủ ngôi sao, chứ không phải tiềm năng. De Bruyne khó có thể cạnh tranh trong một tuyến giữa gồm những Eden Hazard, Oscar, hay Willian, cũng như Ryan Bertrand gần như không thể chen chân vào đội hình xuất phát, khi trước mặt anh là Ashley Cole, hay Cesar Azpilicueta. 

Những người yêu mến Chelsea, có thể viện cớ rằng đây là một cách làm ăn của đội bóng áo xanh thành London. Điều này không có gì sai. Thực tế là trong những năm gần đây, Chelsea gần như phải tự cung tự cấp, khi ông chủ Abramovich không “vung tiền” như trước. Nếu muốn mua, họ phải bán được trước đã. Sự ra đi của những David Luiz, Juan Mata, Frank Lampard hay Ashley Cole, ngoài yếu tố chuyên môn, còn là việc giảm quỹ lương và cân bằng ngân sách nhằm đối phó với Luật công bằng tài chính của UEFA.

Với việc cứ tiếp tục chi tiền tấn mua hàng hiệu, rồi lấy lãi từ việc bán tài năng trẻ bù vào, không sớm thì muộn sẽ khiến The Blues lâm vào cảnh khó khăn, bởi họ không tự thể tự sinh ra những cầu thủ tiềm năng. Arsenal có thể đã trải qua 9 năm không danh hiệu, nhưng tình hình tài chính  và hình ảnh của họ cực kỳ ổn định, và là tiền đề cốt lõi để HLV Wenger có thể tiếp tục trụ lại CLB này. Cách làm bóng đá của Wenger, có thể kém Mourinho về sự thực dụng, nhưng luôn được những ông chủ đánh giá cao.


Cách làm bóng đá hoàn toàn trái ngược giữa Wenger và Mourinho

Sự kiên nhẫn, là những điều gần như không tồn tại trong cách làm bóng đá của Abramovich. Còn Mourinho, xét cho cùng cũng chỉ là một con rối, dù người ta thấy chiến lược gia người Bồ đôi khi còn tự cao tự đại hơn cả ông chủ của mình. Chelsea đã làm thui chột không biết bao nhiêu tài năng trẻ, điển hình như Scott Parker (2004), Shaun Wright-Phillips (2005) và Marko Marin (2012). Sau khi trở thành “hàng thải” của Chelsea, những cái tên nói trên phải hết sức chật vật để cứu vãn sự nghiệp của mình. “Miền đất hứa” Chelsea ngày nào, với một mớ tiền bạc, danh vọng và hứa hẹn, nay lại trở thành một “vũng lầy chết” với họ.

Tàn sát tài năng trẻ như vậy, nhưng Chelsea cũng từng phải cắn răng mua lại chính cầu thủ mình đã ruồng bỏ với giá cắt cổ: Nemanja Matic. Anh được The Blues chiêu mộ với giá 1,5 triệu bảng vào năm 2009, rồi 2 năm sau bị đẩy sang Benfica để đổi lấy David Luiz, nhưng lại khiến “Gã nhà giàu thành London” bỏ ra tới 21 triệu bảng để rước về vào tháng  1 năm nay. Một sự trớ trêu, bởi Chelsea đã “ăn lại chính thứ mà mình đã thải ra”, tất cả chỉ xoay quanh thói bán sao trẻ để bù tiền sắm “sao xịn”. Việc Didier Drogba một lần nữa xuất hiện tại Stamford Bridge, dấy lên những nghi ngại về sự dựa dẫm quá nhiều vào những thế lực cũ của Chelsea.

Mở rộng vấn đề hơn một chút, sự kiện tiền vệ Ross Barkley ký hợp đồng 4 năm với Everton, cho thấy một hướng đi mới nên theo cho những tài năng trẻ. Barkley từng là mục tiêu săn đuổi ráo riết của Chelsea và Man City, nhưng việc anh quyết định ở lại Everton, cho thấy một sự thay đổi về cách nghĩ, cũng như sự trưởng thành về mặt nhận thức vấn đề. Nếu sang Chelsea hay Man City, Barkley sẽ được trọng vọng, nhưng anh cũng có thể sẽ đối mặt với nguy cơ bị đào thải khi không thể hiện được mình ngay-lập-tức ở những môi trường này. Vậy nên, chi bằng hãy cứ tập trung nâng tầm bản thân ở “ao làng”, trước khi đủ lực để “ra biển lớn”.

Mourinho và bài toán cuối cùng của Chelsea trước mùa 2014/15




(báo bóng đá)