Bình luận: “Cách mạng Argentina” trên sân cỏ Anh
Thế còn M.U? Nói đến kế hoạch đưa M.U trở lại đỉnh cao của HLV Louis van Gaal là phải nói đến Angel Di Maria và đồng hương Marcos Rojo. Chỉ riêng hai CLB của Manchester hiện đã có đến 6 cầu thủ Argentina, trong đó có đến 5 người đáng gọi là trụ cột ở ĐTQG. Họ đang chinh phục Premier League? Phải nói đến một điều quan trọng hơn, lớn lao hơn. Họ đang chinh phục nước Anh - quê hương bóng đá.
Cầu thủ Argentina thành công ở Premier League? Đấy là một trong những chuyện lạ cuối cùng mà giới bóng đá Anh có thể nghĩ đến.
Dù được xem là tiền vệ hay nhất thế giới, nhưng Juan Veron đã thất bại thảm hại khi anh gia nhập M.U hồi đầu thiên niên kỷ mới. Vấn đề nằm ở lối chơi? Đúng, nhưng chưa đủ. Veron cũng đã thảm bại khi anh chuyển sang Chelsea, đội có lối chơi khác hẳn so với M.U. Cũng tại Chelsea, người ta từng ghi nhận thất bại của Hernan Crespo - cây làm bàn chỉ đứng sau Gabriel Batistuta và Lionel Messi trong lịch sử đội tuyển Argentina. Crespo từng là cầu thủ đắt giá nhất thế giới. Nhưng trong bản hợp đồng 5 năm với Chelsea, Crespo chỉ xuất hiện 49 lần ở Premier League.
Nói đến kế hoạch đưa M.U trở lại đỉnh cao của HLV Louis van Gaal là phải nói đến Angel Di Maria
“Maradona mới” D’Alessandro hoàn toàn thất bại trong chuyến phiêu lưu ngắn ngủi trên sân cỏ Anh. Gabriel Heinze đành chia tay M.U vì không được thi đấu nhiều, và hóa ra anh thành công hơn khi đến Real Madrid. Maxi Rodriguez phải chia tay Liverpool, trở về Argentina khi mới đi hết nửa hợp đồng. Ngay cả Carlos Tevez, thoạt nhìn có vẻ thành công, nhưng thật ra chưa bao giờ được khoác áo M.U theo một bản hợp đồng chính thức. Anh đã tháo chạy khỏi Premier League.
Trong suốt thập kỷ đầu tiên (từ mùa bóng 1992/93 đến mùa bóng 2001/02), chỉ có 12 cầu thủ Argentina xuất hiện ở Premier League, bằng với tổng số cầu thủ Argentina từng ra sân ở Premier League 2013/14, và bằng 2/3 số cầu thủ Argentina ra sân trong... tháng đầu tiên của mùa này (18 người). Như đã nêu trên: chỉ riêng M.U và Man City mùa này đã sử dụng số cầu thủ bằng đúng phân nửa số cầu thủ Argentina trong 10 mùa bóng đầu tiên ở Premier League (mà mùa bóng này chỉ mới qua 1/3 chặng đường). Đấy là một cuộc cách mạng.
Trước đây, Crespo, Veron, D’Alessandro, Rodriguez... thất bại không chỉ vì những khác biệt quá lớn về cả lối chơi lẫn lối sống ở Premier League. Thật ra, đã có những trường hợp tiên phong, rất thành công, từ trước kỷ nguyên Premier League. Sau chức vô địch World Cup 1978, Osvaldo Ardiles, Alberto Tarantini và Ricky Villa đã đồng loạt sang Anh thi đấu. Họ thành công nhờ khả năng tự điều chỉnh cho thích hợp với môi trường mới. Vậy nên, Alex Ferguson rất có lý khi ông chỉ rõ: Veron thất bại ở M.U không phải vì khác biệt về lối chơi hoặc cách sống, mà vì bản thân anh không muốn tự điều chỉnh. Và ông khái quát vấn đề: đa số cầu thủ Argentina là như vậy!
Lối chơi có thể thay đổi. Lối sống có thể thay đổi. Môi trường nói chung có thể thay đổi. Vấn đề là vì sao, lúc nào, hoặc như thế nào. Aguero, Di Maria và các ngôi sao Argentina đang thành công đến một mức độ họ có khả năng buộc bóng đá Anh phải thay đổi (chứ không phải chính họ cần thay đổi như lúc Ferguson nói về Veron nữa). Man City phải chơi theo Aguero. M.U phải chơi vì Di Maria. Và bắt đầu từ đây, bóng đá Anh nói chung sẽ phải thay đổi, vì ảnh hưởng của các ngôi sao Argentina.