Bong da

Anh

Bão chấn thương ở Premier League: Không còn là chuyện may rủi

Cập nhật: 08/01/2015 13:57 | 0

Bóng đá không phải là môn thể thao đối kháng va chạm khốc liệt nhất (phải kể đến các môn võ, bóng bầu dục hoặc bóng đá kiểu Mỹ), nhưng nguy cơ chấn thương vẫn rất cao, chủ yếu do va chạm. Ngay cả trong các buổi tập cũng có thể dẫn đến chấn thương, huống hồ là các trận đấu khốc liệt mang tính sống còn, hoặc trước những đối thủ nổi tiếng đá rắn...

Bão chấn thương ở Premier League: Không còn là chuyện may rủi
Bão chấn thương ở Premier League: Không còn là chuyện may rủi
Vậy, chấn thương phải chăng là chuyện khách quan hoàn toàn, hoặc đa phần là vậy? 

Chưa hẳn. Không phải ngẫu nhiên khi Arsenal là một trong những CLB dẫn đầu số ca chấn thương ở Premier League mùa này, tờ Telegraph đặt dấu hỏi về phương pháp huấn luyện của Arsene Wenger. Hồi đầu mùa, khi M.U liên tiếp gặp chấn thương, trong đó thậm chí ngôi sao trẻ Luke Shaw thẳng thắn cho rằng lý do là cường độ tập luyện do HLV Louis van Gaal đề ra quá nặng, rất nhiều chuyên gia có uy tín và cả những cựu thành viên BHL Quỷ đỏ cùng khẳng định: lỗi tại M.U!

Van Gaal đã sớm nhận ra sai lầm và sửa chữa, cũng như trước đây Roberto Mancini đã kịp sửa sai, không bắt các cầu thủ Man City tập ngày hai buổi khiến Carlos Tevez phải lên tiếng than phiền trên mặt báo. Mancini nhìn việc chứ không nhìn người, chẳng những không giận Tevez mà ngược lại còn cảm ơn cầu thủ Argentina này. Mancini thừa nhận “tôi không phải là bạn của Tevez, nhưng chúng tôi là cộng sự tốt”. Kết quả, Mancini và Tevez cùng giúp Man City vô địch Premier League lần đầu tiên vào năm 2012.


Khi một cầu thủ có thể lực cực tốt như Tevez còn than mệt và sợ chấn thương, tức phương pháp huấn luyện của Man City có vấn đề. Vấn đề là Tevez còn dám lên tiếng tại Man City, còn ở Arsenal ai dám lên tiếng chỉ trích Arsene Wenger? 

Wenger được mệnh danh là “giáo sư” vì từng dạy học ở trường đại học chuyên ngành giáo dục thể chất. Ông hiểu rõ Alexis Sanchez thân xác rã rời vì đã thi đấu 36 trận cho CLB và ĐT Chile kể từ khi chuyển đến Arsenal. Nhưng Wenger vẫn phớt lờ dư luận, liên tục sử dụng ngôi sao Chile vì hiểu rõ hơn ai hết rằng Arsenal không có Sanchez cũng sẽ giống trái đất không có mặt trời. 

Sớm hay muộn, Sanchez cũng sẽ chấn thương, mệt mỏi, suy giảm phong độ. Chuyện ấy Wenger biết, nhưng thôi thì cứ… để mai tính! Arsenal nổi tiếng là đội bóng có phương pháp huấn luyện rất khoa học, từng giúp Thierry Henry và Patrick Vieira tránh nguy cơ chấn thương, kéo dài tuổi thọ sân cỏ đồng thời giúp hai cầu thủ Pháp này vươn lên đỉnh cao thế giới. Đáng buồn là hiện tại, Arsenal lại là “ổ” chấn thương lớn nhất Premier League. Mesut Oezil như một chiếc Rolls Royce đắt giá chỉ để trưng bày cho đẹp mắt bởi cầu thủ Đức này liên tục nghỉ thi đấu vì chấn thương. 


Đừng đổ lỗi cho Oezil mà hãy trách Arsenal và Wenger! Oezil đủ khôn ngoan để tránh những va chạm không cần thiết, nhưng vẫn hay bị chấn thương tại Arsenal vì phải thi đấu trong tình trạng mệt mỏi, không đủ thể lực. Cầu thủ không phải cỗ máy, cũng chẳng ai chống được quy luật thời gian. 

Michael Owen phải giải nghệ sớm vì không biết tự điều chỉnh lối chơi. Tần suất thi đấu, lối chơi, khâu chuẩn bị thể lực của các đội bóng và phong cách chơi bóng của từng cầu thủ cũng ảnh hưởng quyết định đến nguy cơ chấn thương. Điều này không chỉ ở các môn thể thao có va chạm. Quần vợt là môn không va chạm nhưng theo nghiên cứu khoa học thì nguy cơ chấn thương cao hơn cả bóng đá. Tuy nhiên, nhờ kỹ thuật hoàn hảo nên Roger Federer rất ít chấn thương, ngoài ra còn nhờ khâu sắp xếp lịch thi đấu, chuẩn bị điểm rơi phong độ và thể lực hợp lý. 

Chấn thương, nếu có, không còn là chuyện may rủi.


(báo bóng đá)