Bong da

Anh

Arsenal: Phòng ngự là bài toán sống còn!

Cập nhật: 18/01/2015 10:38 | 0

Lần gần nhất kéo quân đến Etihad, Arsenal trở về cùng với 6 bàn thua. Phòng ngự, mà cụ thể là phòng ngự khu vực vì thế sẽ trở thành bài toán sống còn của thầy trò HLV Arsene Wenger trong chuyến đi vào đêm nay.

Arsenal: Phòng ngự là  bài toán sống còn!
Arsenal: Phòng ngự là bài toán sống còn!
KÈM NGƯỜI HAY KÈM THEO KHU VỰC?
Nghĩ lại cảnh Man City lướt qua tuyến giữa của Arsenal rồi tràn vào vòng cấm địa như chỗ không người ngày ấy, có lẽ các cầu thủ lẫn CĐV của Pháo thủ hãy còn tim đập chân run. Nhưng sợ hãi sẽ không mang lại một kết cục tốt đẹp nào. Vấn đề là phải đưa ra được giải pháp đánh chặn hợp lý.

Vậy thì kèm người hay kèm theo khu vực? Kèm người tức là cử người của mình theo người của đối phương như hình với bóng. Điển hình cho cách chơi này là Claudio Gentile, trung vệ người Ý sẵn sàng theo Diego Maradona ngay cả khi “Cậu bé vàng” vào toa-lét. Cách kèm này quy trách nhiệm hết sức rõ ràng. Nếu Maradona ghi bàn, dứt khoát Gentile có lỗi. Nhưng nó có một chỗ dở là khiến đội bóng không thể chủ động được lối chơi. Vì cứ một người của ta kèm một người của đối phương, không một ai có thể cố định được vị trí, từ đó dẫn đến sự rối loạn về chiến thuật.

TÌM MỘT THỦ LĨNH
Từ ấy, cách kèm người theo khu vực ra đời. Mỗi cầu thủ được giao cho một diện tích mặt sân nhất định. Bóng lăn vào khu vực ấy thì anh phải có trách nhiệm đoạt lại. Cách này quy trách nhiệm cho tập thể, nói cách khác là không ai phải chịu trách nhiệm. Alan Shearer và Robin van Persie thường xuyên tận dụng điều này để ghi bàn. Khi có phạt góc, họ đang ở khu vực phòng ngự của hậu vệ A chạy sang khu vực phòng ngự của cầu thủ B. Kết quả là cả A và B đều bâng khuâng không biết nhường nhiệm vụ tranh chấp cho ai. Và chỉ một phút lưỡng lự là đủ để họ ghi bàn.


Để vận hành được cách phòng ngự khu vực, một đội bóng phải có một thủ lĩnh, người quán xuyến từng khu vực trên sân và liên tục đưa ra những chỉ thị nóng. Rio Ferdinand, John Terry, Jamie Carragher đều là những mẫu trung vệ như vậy. Nhưng ở Arsenal, các hậu vệ của họ đều hiền và thậm chí là thiếu cá tính. Đấy là lý do hàng thủ Arsenal rất dễ tan vỡ khi gặp những đối thủ mạnh và có sự linh hoạt trong cách vận hành chiến thuật. Mà Man City hiện tại lại là bậc thầy của sự linh hoạt trong vị trí thi đấu.

Theo lẽ thường tình, Per Mertesacker phải là thủ lĩnh. Anh có tài năng, kinh nghiệm và vị thế của một nhà vô địch thế giới, nhưng chính phong độ của Mertesacker cũng đang kém ổn định. Tức là anh... lo giữ phong độ cho mình còn chưa xong, nói gì đến việc quán xuyến công việc của các đồng đội và đưa ra những chỉ thị.

CẦU NGUYỆN VÀO KOSCIELNY
Trong bức tranh bi quan ấy, vẫn có một điểm sáng: sự trở lại sau chấn thương của Laurent Koscielny. Người ta tính là từ tháng 8/2013 đến nay, tỷ lệ thắng của Arsenal khi có Koscielny là nhiều hơn gấp đôi so với khi không có anh. Cuối tuần trước, Arsenal hạ Stoke City 3-0 trong trận đấu được xem là “coi được” nhất của hàng thủ Arsenal từ đầu mùa đến giờ. Mertesacker đã chơi một trận xuất thần và khắc chế hoàn toàn tòa tháp Peter Crouch trong khi Koscielny “thầu” hết những pha bóng sệt. 


Koscielny và Mertesacker vốn không phải là những trung vệ độc lập tác chiến giỏi, nhưng họ lại có sự hỗ trợ tốt cho nhau. Có giai đoạn từ tháng 1/2012 đến tháng 2/2014, tức là gần 2 năm, Arsenal không thua trận nào tại Premier League mà cả Mertesacker và Koscielny cùng đứng trên sân. Bây giờ, Arsenal sẽ phải cầu mong cặp đôi này phát huy giá trị. Cần nhớ: trong trận thua 3-6 mùa trước, Koscielny phải rời sân trong hiệp 1 vì chấn thương. Và 5/6 bàn thắng của Man City đến trong hiệp 2, khi bên cạnh Mertesacker không còn đồng đội người Pháp.

2. Từ đầu mùa đến giờ, Mertesacker và Koscielny chỉ cùng thi đấu trong 10 trận tại Premier League. Trong đó Arsenal chỉ thua 2 trận (đều trên sân khách và trước những đội mạnh là Chelsea và Southampton), giữ trắng lưới 4 trận.


(báo bóng đá)