Bong da

Anh

Arsenal: “Latin hóa” vẫn chưa bằng “Pháp hóa”

Cập nhật: 22/01/2015 00:10 | 0

Arsenal luôn là một đội bóng đa quốc tịch. Xưa đã thế, và giờ vẫn thế, miễn là Arsene Wenger còn ở Bắc London.

Arsenal: “Latin hóa” vẫn chưa bằng “Pháp hóa”
Arsenal: “Latin hóa” vẫn chưa bằng “Pháp hóa”
Trong thời đại hội nhập hiện nay, cũng chẳng còn hiếm những CLB như “Pháo thủ” nữa. Cái khác, có chăng, đó là họ đa quốc tịch theo hướng nào. Wenger thường thích mua cầu thủ của những nền bóng đá đang thành công, và như vậy ở Emirates luôn có những “hội đồng hương” nho nhỏ.
 
Giai đoạn đỉnh cao của Arsenal, tức là khoảng 10 năm về trước, sân Highbury là một “Paris thu nhỏ”, với hàng loạt ngôi sao của ĐT Pháp đã thành công rực rỡ tại EURO 2000 như Patrick Vieira, Thierry Henry, Robert Pires, Sylvain Wiltord… và tất nhiên, cả chính “Giáo sư” nữa. Ở Bắc London khi đó, ngôn ngữ chính được sử dụng là… tiếng Pháp.
 
Thời gian thay đổi mọi thứ. Cùng với những chìm nổi của ĐTQG Pháp tại các kỳ World Cup và EURO, Wenger dần dà bớt tín nhiệm “thị trường” Ligue 1 và những tuyển thủ Les Bleus. Arsenal vẫn sở hữu những tài năng người Pháp, nhưng không nhiều trong số họ còn sắm vai trụ cột. Thay vào đó là Tây Ban Nha, nơi mà các tài năng trẻ mọc ra như nấm.
 
Arsenal bắt đầu "Latin hóa" với Fabregas
 
Thị trường La Liga trở thành “mỏ vàng” của Wenger, và Arsenal được “Latin hóa” mạnh mẽ với những cái tên tới từ Tây Ban Nha như Cesc Fabregas, Julio Baptista, Manuel Almunia, Jose Reyes, Santi Cazorla… Cho tới thời điểm này, số lượng người Tây Ban Nha ở Emirates là 4, và số lượng người nói tiếng Tây Ban Nha như ngôn ngữ mẹ đẻ đã lên tới con số 8.
 
Đó không phải là điều quá khó hiểu, bởi những thành công rực rỡ của ĐTQG cũng như các CLB Tây Ban Nha suốt nhiều năm qua. Nhưng khác với “thế hệ Pháp hóa” trước đây, cuộc cách mạng Latin của Wenger lúc này vẫn chưa đem lại hiệu quả. Lối đá của Arsenal vẫn giữ được “chất” riêng nếu không muốn nói là còn hoa mỹ hơn, nhưng những danh hiệu lớn thì chẳng hiểu sao vẫn cứ lảng tránh họ.
 
Phải chăng, cũng vì thế mà “Giáo sư” lại đang rục rịch chuyển hướng sang một cuộc “Đức hóa”, với những Per Mertesacker, Mesut Oezil, Serge Gnabry hay Gedion Zelalem? Tiếng Tây Ban Nha chưa biết chừng sẽ lại sớm thay tiếng Đức trở thành ngôn ngữ chính trong phòng thay đồ của “Pháo thủ”.
 
Rốt cuộc, nhờ những xu hướng ngoại nhập ấy, chỉ có vốn ngoại ngữ của Wenger là càng lúc càng sâu rộng. Vốn thành tích và danh hiệu của ông, đáng tiếc, chưa biết bao giờ mới được bổ sung thêm.
 
Những cầu thủ nói tiếng TBN ở Arsenal: Mikel Arteta, Nacho Monreal, Santi Cazorla, Hector Bellerin (TBN), David Ospina (Colombia), Alexis Sanchez (Chile), Emiliano Martinez (Argentina), Joel Campbell (Costa Rica).


(báo bóng đá)