Bong da

VFF - AVG - VPF

Lần tung đòn mới của VPF

Cập nhật: 03/03/2012 09:23 | 0

Khi những thông tin một số ông bầu giấu tên có ý định bỏ bóng đá ngay sau công văn trả lời của AVG trong cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình, người ta hiểu rằng rất có thể đây là lần "tung đòn" tiếp theo của các ông bầu.


Từ xưa tới nay chẳng nói thì ai cũng biết, các ông bầu đầu từ vào bóng đá chỉ được duy nhất hai thứ là quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp của chính họ, phần nào "đánh bóng" tên tuổi cho chính ông bầu, mặt khác là để thỏa niềm đam mê với trái bóng của họ. Bên cạnh đó, có thể nói hầu hết số tiền chi cho các đội bóng đều là tiền trích từ kinh phí quảng cáo của các doanh nghiệp.

Nếu như cách đây hơn mười năm không ai biết HAGL là gì thì chỉ sau khi bầu Đức mang Kiatisuk về Pleiku, đội bóng của ông thăng hạng rồi làm mưa làm gió ở V-League giai đoạn 2003-2004, lúc đó chẳng người yêu bóng đá Việt nào là không biết tới cái biệt danh Ba Đức và HAGL của ông cả.

Thậm chí với việc tham gia Cup C1 Đông Nam Á rồi thời gian sau hợp tác mở lò đào tạo HAGL Arsenal JMG thì tiếng tăm của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã vươn ra khỏi biên giới đất nước hình chữ S rất xa...

Đấy là chuyện ở HAGL, còn các CLB khác ở Việt Nam cũng tương tự. Các ông bầu chủ yếu lấy tiền từ kinh phí quảng cáo của doanh nghiệp để nuôi đội bóng, với số tiền vài chục tỷ một năm nghe chừng là lớn nhưng với hiệu quả PR tên tuổi cho doanh nghiệp thì lợi ích từ việc đầu tư vào bóng đá là không thể đong đếm được. Và có thể khẳng định đây là phương thức nhanh nhất để đưa tên tuổi của các doanh nghiệp tới khách hàng. Và phần nào “bớt” được tiền thuế mà các doanh nghiệp nuôi các đội bóng phải đóng.

Bước tiếp theo, VPF sẽ làm gì?

 

Thậm chí, không ít ông bầu nuôi đội bóng với ý những mục đích khác, ngoài việc đánh bóng tên tuổi cho chính bản thân và doanh nghiệp, đấy là tạo mối quan hệ với các quan chức lãnh đạo địa phương. Không cần nói quá nhiều, đây là phương thức đã mang lại cho một số ông bầu một kết quả tương đối mỹ mãn.

Nhìn ra bóng đá thế giới chúng ta sẽ thấy tiền thu từ bản quyền truyền hình chỉ thực sự đáng kể với các đội bóng rất mạnh ở những giải đấu hàng đầu thế giới. Còn đối với cả châu Á, số tiền từ bản quyền truyền hình thu được chắc chưa phải là nguồn thu chủ yếu của bất kỳ câu lạc bộ nào.

Thêm nữa, các giải đấu hàng đầu như Anh, Ý, Tây Ban Nha còn thu được tiền bản quyền truyền hình từ việc "xuất khẩu" bản quyền truyền hình đi toàn thế giới. Nhưng cũng cần phải nhớ thêm rằng trên thế giới có rất ít CLB làm ăn có lãi còn đại đa số là bị thua lỗ.

Không những thế, tiền bản quyền truyền hình chỉ là một phần trong số các nguồn của CLB. Ngoài ra họ còn thu được tiền từ bán áo đấu,chuyển nhượng cầu thủ, bán vé, đặt biển quảng cáo trên sân, logo quảng cáo trên áo thi đấu... Nhưng nhìn tại Việt Nam thì sao? Chẳng nói ra hẳn ai cũng biết, nhắc tới những việc đó ở Việt Nam được coi là một điều gần như là "xa xỉ phẩm"...

Nguồn thu từ việc bán vé, đặt biển quảng cáo trên sân ở V-League là vẫn có nhưng chẳng đáng là bao. Còn nói đến chuyện bán áo đấu hay tiền thu được từ chuyển nhượng cầu thủ thì nguồn thu này tại Việt Nam chắc cũng chưa đội bóng nào có lãi nếu như không muốn nói các CLB đều thua lỗ nặng nề từ việc chuyển nhượng cầu thủ.

Nói vậy để thấy muốn nâng cao giá trị của bản quyền truyền hình và các nguồn thu khác thì việc đầu tiên cần phải làm là nâng cao chất lượng giải đấu. Nhưng chúng ta cũng không nên quá ảo tưởng về chuyện "lấy bóng đá để nuôi bóng đá" bởi đó là cái đích mà chẳng mấy đội bóng đạt được ở thời điểm hiện tại, đại đa số các CLB trên thế giới vẫn sống nhờ vào nguồn tiền của các ông chủ là chính.

Nếu như trước đây chúng ta thấy các ông bầu "rao giảng" về số tiền hơn 70 tỷ/3 năm tiền bản quyền truyền hình, rồi trước đó "dọa" tiến hành đại hội bất thường để hủy hợp đồng giữa VFF và AVG… Vậy liệu dọa bỏ đội bóng có phải là một chiêu "rung cây dọa khỉ" tiếp theo của một số ông bầu?

Thiết nghĩ, dù có thu được số tiền đến hơn 70 tỷ đồng/3 năm đi nữa thì số tiền mỗi CLB thu được so với số tiền các ông bầu lấy từ tiền quảng cáo của các doanh nghiệp để nuôi đội bóng cũng chẳng đáng kể là bao.

Như vậy chuyện các ông bầu đòi hỏi quá nhiều ở bản quyền truyền hình, rồi lại dọa bỏ đội bóng vì chuyện này trong khi ở Việt Nam tất cả mọi nguồn thu mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu, thậm chí nhiều khía cạnh các CLB còn chưa khai thác. Liệu như vậy có xác đáng, hay đơn giản đây chỉ là "chiêu" dùng chuyện này để đòi hỏi chuyện khác?

Ngọc Diệp

vietnamnet.vn

,