Tình hình tài chính ở xứ sở thần thoại đang rất nguy ngập. “Tổ quốc đang trong cơn nguy kịch. Lần đầu tiên kể từ năm 1974, những khó khăn về kinh tế đang đe dọa đến nền độc lập của quốc gia”, đó là lời cảnh báo của Thủ tướng Georges Papandreou. Có thể nói lúc này, bóng đá là thứ duy nhất có thể giúp người dân Hy Lạp tạm thời quên đi những rắc rối mà cuộc khủng hoảng kinh tế mang lại.
Đoàn quân dưới quyền Fernando Santos đã không phụ lại sự kì vọng của những CĐV đang ở Hy Lạp dõi theo từng bước chân họ và thậm chí bỏ tiền sang tận Ukraine/Ba Lan cổ vũ. Hy Lạp đã đánh bại Nga 1-0 ở lượt đấu cuối vòng bảng EURO 2012, qua đó giành quyền lọt vào tứ kết. Chiến thắng này không thể làm giảm sự thâm hụt trong ngân sách quốc gia, không thể làm giảm nợ công hay giải quyết bất cứ vấn đề gì liên quan đến tài chính của Hy Lạp.
“Khi rời Hy Lạp, chúng tôi tự nhủ phải quên đi những khó khăn mà đất nước đang phải hứng chịu để tập trung vào chuyên môn”, thủ quân Giorgos Karagounis phát biểu. “Chúng tôi quyết tâm chiến đấu nhằm tiến thật sâu tại EURO 2012, qua đó mang nụ cười trở lại trên môi của những người Hy Lạp. Tôi không biết diễn tả cảm xúc của tôi lúc này ra sao. Trận thắng trước Nga có ý nghĩa lớn lao như khi Hy Lạp vượt qua Bồ Đào Nha đăng quang năm 2004”.
Có hơn 300.000 người Hy Lạp đang sống ở Đức, và tính ra cứ 10 người Hy Lạp thì có 1 người đã từng làm việc, học tập hoặc sinh sống tại Đức. Trong quá khứ, người Đức chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các khách du lịch đến Hy Lạp. Tuy nhiên, ẩn sau mối liên kết này lại là sự đối lập mạnh mẽ về nền văn hóa và quan điểm chính trị. Đừng quên mối quan hệ giữa Đức và Hy Lạp đang rất căng thẳng vì cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại ở Hy Lạp. Đức là một trong những quốc gia đi đầu trong việc ủng hộ loại Hy Lạp khỏi eurozone (nhóm các nước sử dụng đồng euro). Liệu bóng đá và chính trị có liên quan đến nhau?
Thật khó để đưa ra câu trả lời xác đáng. Giới mộ điệu chỉ còn biết ngồi và chờ đợi!
bongdaplus.vn