Bong da

euro-2012

EURO trong mắt tôi: Đức - ĐTQG đa văn hóa

Cập nhật: 17/06/2012 09:15 | 0

Sức mạnh của ĐT Đức là sức mạnh của cả xã hội Đức. Vai trò của bóng đá ở đất nước này thể hiện qua tác động của bóng đá lên xã hội ấy. Các giá trị truyền thống có vai trò đặc biệt quan trọng, kèm thêm những đặc trưng cách tân trong xã hội hiện đại.




Khi đến thăm ĐTQG trước khi khai mạc EURO 12, Thủ tướng Đức Merkel và HLV J.Loew cùng nhau giơ cao chiếc áo đặc biệt của đội tuyển quốc gia: bên cạnh quốc kỳ Đức như thông lệ, còn có những lá cờ của Ba Lan, Tây Ban Nha, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ghana, Brazil. Cũng dễ hiểu, vì đấy là những quốc gia đã góp phần sản sinh ra lần lượt Klose và Podolski, Gomez, Khedira, Oezil và Guendogan, Boateng cũng như Cacau. Có thể xem chiếc áo này là một biểu tượng riêng cho ĐT Đức ngày hôm nay. Các cầu thủ sẽ không mặc áo này thi đấu, nhưng mỗi người đều ghi sâu trong lòng bản sắc đa văn hóa: Multi- Kulti của ĐT Đức ngày hôm nay.

Bà Thủ tướng nhận xét: “Những năm gần đây, khi trẻ em ghi tên nhập học, tỷ lệ các em có nguồn gốc nhập cư tăng nhanh đáng kể. Con số ấy bây giờ là 50%”. Cấu trúc dân cư của xã hội Đức như vậy ảnh hưởng rõ rệt lên bóng đá. Trong xã hội ấy, hoàn toàn không phân biệt người nhập cư hay không nhập cư. Mỗi người đều có điều kiện học hành và phát triển như nhau, trong đó có học bóng đá và làm nghề đá bóng.

Trong một bài phỏng vấn, Khedira đã phát biểu : ”Với tôi, các giá trị Đức là tinh thần quyết thắng trong công việc, là ý thức kỷ luật và cách đối xử lịch sự”. Sammer, GĐKT hiện nay của LĐBĐ Đức (DFB), người chuyên lo đào tạo cầu thủ trẻ, nhận xét: ”Hai cầu thủ có ý chí mạnh mẽ nhất hiện nay ở đội tuyển là Schweinsteiger và Khedira”. Trận ra quân, Đức thắng Bồ Đào Nha vất vả 1-0, Schweinsteiger chưa đạt phong độ, Khedira tự đứng ra đảm trách nhiệm vụ trung tâm ở tuyến tiền vệ rất thành công, mặc dù chẳng ai giao cho anh cả. Lại nhớ đến việc Khedira sang Real Madrid theo lời mời của HLV Mourinho. Hợp đồng rất quan trọng với cả hai được khẳng định rất nhanh chỉ sau vài câu trao đổi. Mourinho: ”Anh quan niệm thế nào về bóng đá?”. Khedira: ”Càng đoạt được nhiều danh hiệu càng tốt!”. Mourinho: ”Đúng vậy. Đó là điều căn bản nhất. Tôi sẽ ký hợp đồng với anh!”.

HLV Loew đồng tình với nhận xét rằng: “Các cầu thủ có nguồn gốc nhập cư đem lại những nét mới trong tính cách và khả năng của ĐT Đức. Chẳng hạn các cầu thủ gốc Thổ Nhĩ Kỳ là những người có kỹ thuật tốt, do đặc trưng cơ thể mềm mại, do tính cách linh hoạt. Oezil là ví dụ nổi bật. Sau hai trận đấu tại vòng bảng EURO 12, danh thủ này vẫn chưa đạt phong độ tối đa, nhưng anh chính là hy vọng lớn nhất trong lối chơi sáng tạo, kiến thiết bàn thắng, như thành công ở Real của Oezil đã khẳng định. Trước đây là Bastuerk, hiện nay là Guendogan cũng là mẫu cầu thủ như vậy. Hay Jerome Boateng, một cầu thủ có tố chất cực tốt, đã khóa chặt Ronaldo của Bồ Đào Nha. Vấn đề là làm sao để phối hợp hài hòa tất cả nguồn sức mạnh sinh ra từ những tính cách ấy.

Thủ tướng Merkel kể chuyện bà đến dự một giờ tiếng Đức trong ngôi trường có nhiều trẻ em mang nguồn gốc nhập cư. Câu hỏi: “Em nghĩ đến gì khi đọc hai chữ “Tổ quốc”?” Mỗi học sinh viết điều mình nghĩ vào một tờ giấy. Bà Thủ tướng cũng làm bài tập như các em. Bà viết: rừng, hồ, nhà thờ. Nhưng các em viết khác: toàn nói về quê hương, gia đình, người thân, bạn bè, ở nơi là xuất xứ của các em. Chính sách hội nhập đòi hỏi mỗi người đều biết và yêu nguồn gốc của mình. Vì đó chính là một nguồn sức mạnh bổ sung. Vì đấy là cái cầu thắm thiết bắc sang những dân tộc khác. Cho nên, bóng đá Đức để cầu thủ tự chọn mầu cờ sắc áo mà họ muốn thi đấu. Như Sahin chỉ muốn đá cho Thổ Nhĩ Kỳ. Không sao cả, anh vẫn được tạo điều kiện y như Oezil, người chọn khoác áo tuyển Đức.

Hiện, số người Việt ở Đức vào khoảng 100.000 người. Chỉ một quận Lichtenberg (Berlin) có đến 5.600 người Việt. Khi tôi đến thăm một trường trung học phổ thông ở Berlin, ông hiệu trưởng nói: “Trường tôi có 150 em mang nguồn gốc nhập cư, chiếm 10% tổng số“. Lại hỏi: “Thế có bao nhiêu học sinh Việt Nam?” Trả lời: “Tất cả 150 em đều là người Việt Nam”. Hy vọng rằng, trong số những học sinh gốc Việt đang lớn lên trên đất Đức, sẽ có những em đá bóng giỏi, để có thể đá cho tuyển Đức hay Việt Nam. Như Marcel Nguyên, người vừa có huy chương vàng vô địch thế giới môn thể dục dụng cụ.

Bongdaplus.vn