Tôi gọi điện cho anh Quý (một tiểu thương ở khu chợ nhà ga Donetsk), người đã may mắn mua được tấm vé dự khán trận Ukraine - Anh đúng vào phút chót, với mức giá 1.200 hryvnia (khoảng 3 triệu đồng) hỏi thăm tình hình. Anh Quý may mắn ngồi ngay sau khung thành ĐT Anh và tận mắt chứng kiến tình huống Devic đưa bóng vào lưới thủ thành Joe Hart tới gần 20 cm.
“CĐV Ukraine chỉ trích trọng tài dữ dội lắm. Ai cũng nhìn thấy đó là một bàn thắng hợp lệ. Họ tức đến phát khóc”, anh Quý hồi âm. “Anh đi ngang qua khu vực sát đường hầm và nghe rất rõ HLV Blokhin nói như quát với phóng viên bản địa: Các anh muốn viết gì về tôi thì viết, nhưng không công nhận bàn thắng đó là một quyết định điên rồ”.
Nhưng có vẻ như người Ukraine rạch ròi vô cùng. Trên sân, họ mặc sức mạt sát, gào thét trọng tài. Họ cay cú, tức tối, nuối tiếc thậm chí là khóc lóc, tuyệt vọng. Nhưng tôi gần như không cảm nhận được một chút mùi “oán khí” nào sau khi trận đấu kết thúc.
Con đường Tetova Avenue dẫn thẳng từ SVĐ Donbass Arena ra nơi cảnh sát cho phép người dân đỗ xe kín đặc NHM. Tôi không biết tiếng Nga, nhưng nhờ đi cùng những người Việt sống lâu năm bên đó, tôi cũng loáng thoáng hiểu được cái cách người Ukraine phản ứng sau thất bại cay đắng của đội tuyển nước nhà.
Người Ukraine lành vô cùng. Họ đủ lịch sự để hiểu rằng, đừng mượn cớ bức xúc để nổi loạn. Người dân Donetsk nói riêng và Ukraine nói chung cũng đủ thông minh và trách nhiệm để ngộ ra, công bằng chỉ mang tính tương đối, thể diện của một quốc gia, một dân tộc mới là quan trọng. Chợt nhớ lại lời trách móc của cậu sinh viên Oleg mà tôi gặp ở chợ Kharkiv (tại sao thế giới lại cho rằng Ukraine là đất nước phức tạp?), Tôi mới thầm cảm phục đám đông đang lũ lượt kéo nhau ra về từ Donbass Arena.
Nhưng trong ngày mà người Ukraine từ chủ, bỗng dưng thành khách ngay tại sân nhà của họ, cũng không thể đòi hỏi các fan nước chủ nhà cư xử như… những tu sĩ. Con đường Artema rộng lớn bất đắc dĩ trở thành một quảng trường đặc kín người. Các fan đổ về từ Donbass Arena đi tràn ra hết mặt đường. Nhưng cảnh sát không nhắc nhở. Họ hiểu rằng, đây là nỗi buồn chung của cả quốc gia, và rằng, sẽ chỉ là ngày hôm nay thôi cho một nỗi buồn.
Không có nhiều thu hoạch ở Donetsk, tôi lại gọi điện về Kiev, nơi người dân có vẻ máu bóng đá và cuồng nhiệt hơn rất nhiều, thăm dò tình hình. Chú Trúc, một fan bóng đá, đồng thời là hướng dẫn viên của các phóng viên Việt Nam (từ PV báo Bóng đá tới các đoàn phóng viên Đài truyền hình) cũng ngay lập tức nhắc tới chi tiết dân Ukraine phản ứng dữ dội trước bàn thắng không được công nhận của Devic.
Nhưng cũng giống hệt như Donetsk, Fanzone nằm trên con phố Khareschatyk nhanh chóng được trả lại vẻ thanh bình chỉ sau 1 tiếng. Không nổi loạn, không đập phá, không chửi bới, không ẩu đả. Những phản ứng khiến cho nhiều người cảm thấy, có vẻ như người Ukraine không yêu bóng đá cho lắm. Nhưng ngược lại, họ làm thế để chứng minh, bóng đá không bao giờ chết ở Ukraine.
Bongdaplus.vn