1. Nga rớt từ Thiên đường xuống Địa ngục
"Những chú Gấu" Nga đã có khởi đầu thực sự ấn tượng - thậm chí họ là đội gây ấn tượng mạnh nhất sau lượt trận đầu tiên vòng bảng - khi vùi dập CH Czech với tỉ số đậm 4-1 trong ngày ra quân. Những pha lên bóng với tốc độ cao và rất đa dạng của Nga, cả khi tấn công lẫn khi phản công, không khỏi khiến các CĐV của họ nhớ lại những ngày tươi đẹp ở EURO 2008, giải đấu mà Nga dưới bàn tay Hiddink đã lọt vào tới tận trận bán kết. Giới chuyên môn cũng tin rằng thầy trò Advocaat sẽ là một thế lực đáng gờm ở giải đấu năm nay.
Tuy nhiên, chuyện đã tồi tệ dần đi với Nga từ vòng đấu thứ 2, khi họ phung phí nhiều cơ hội ngon ăn và để cho Ba Lan gỡ hòa 1-1 sau khi đã có được bàn mở tỉ số của tài năng trẻ Alan Dzagoev. Việc HLV Advocaat sau đó thay vì nhìn thẳng vào sự thật lại cố "nói cứng" với tuyên bố "Nga là đội chơi hay nhất EURO 2012". Thái độ chủ quan này của nhà cầm quân người Nga, và theo đó là niềm tin mù quáng của ông vào chân sút "xịt" Kerzhakov, đã khiến người Nga phải trả giá đắt với thất bại bẽ bàng trước Hy Lạp ở loạt trận quyết định.
2. Hy Lạp sống lại tinh thần 2004
Trái ngược hoàn toàn với người Nga, Hy Lạp đã đi ngược từ Địa ngục trở lại Thiên đường, với tinh thần chiến đấu kiên cường của năm 2004 thần thoại. Đội bóng tới từ xứ sở của các vị thần (nhưng lại đang ngập trong nợ nần) đã bắt đầu giải đấu trong những ánh mắt ngờ vực, sớm bị chủ nhà Ba Lan dẫn trước, phải chơi thiếu người khi đang bị dẫn, lại bỏ lỡ quả penalty có thể quyết định thắng lợi, trước khi để thua bạc nhược 1-2 trước Czech ở loạt trận thứ 2. Trước loạt trận thứ 3, người ta cho rằng chỉ có một điều kỳ diệu mới cứu nổi Karagounis và đồng đội.
Nhưng một điều kỳ diệu như thế đã xảy ra. Trước đội tuyển Nga mà họ đã thua tới 9/11 cuộc đối đầu gần nhất, Hy Lạp tiếp tục thể hiện một bộ mặt kiên cường. Họ gồng mình lên chống đỡ những đòn tấn công tới tấp của người Nga, trước khi đội trưởng Karagounis tận dụng một thoáng sơ sểnh của đối phương để tung đòn kết liễu. Chiến thắng 1-0 này, kết hợp với việc Cech hạ Ba Lan ở trận đấu cùng giờ, đã đưa Hy Lạp vào tứ kết. Đây là điều ít ai dám nghĩ tới trước khi EURO 2012 bắt đầu. Và bây giờ, chẳng ai có thể cấm người Hy Lạp tiếp tục mộng mơ...
3. CH Czech mơ tái hiện điều thần kỳ 1996
Czech đã khởi đầu EURO 2012 theo cách tệ hại nhất có thể với thất bại tan tác 1-4 trước người Nga ở trận ra quân. Lúc ấy, người ta đã đánh giá Cech và đồng đội không có nhiều hi vọng làm nên bất ngờ ở giải đấu năm nay, khi cả lực lượng lẫn tinh thần đều có vấn đề. Tuy nhiên, ở những trận đấu tiếp theo, các cầu thủ tới từ xứ sở pha-lê đã khiến tất cả phải nhìn lại họ bằng con mắt khác. Vẫn không ồ ạt, hoa mỹ, Czech lần lượt đánh bại Hy Lạp và chủ nhà Ba Lan nhờ khả năng nắm bắt thời điểm và tận dụng cơ hội tuyệt vời.
Với 4 bàn thắng và 5 bàn thua, CH Czech là đội thứ 2 lọt qua vòng bảng EURO với hiệu số âm. Đội đầu tiên là... chính họ. Ở giải đấu được tổ chức vào năm 1996, Czech cũng bắt đầu với một thất bại (0-2 trước Đức), và kết thúc vòng bảng với hiệu số -1 (5 bàn thắng, 6 bàn thua). Nhưng năm ấy, Poborsky và đồng đội đã vào tới trận Chung kết sau khi lần lượt vượt qua Bồ Đào Nha rồi Pháp ở tứ kết và bán kết. Liệu một điều kỳ diệu tương tự có xuất hiện với thủ môn Petr Cech, người cũng vừa trải qua một mùa giải điên rồ nhưng cũng rất kỳ diệu với Chelsea, ở Ukraine/Ba Lan Hè này?
4. Các tiền đạo đều "ăn hại"
Một trong những nguyên nhân khiến Nga bị loại ngay từ vòng bảng EURO 2012 là niềm tin mù quáng của HLV Advocaat vào tiền đạo Kerzhakov. Quả thật, với phong độ khá ấn tượng trong màu áo CLB (23 bàn/32 trận), chân sút của Zenit xứng đáng được trao một suất đá chính. Tuy nhiên, sau những gì anh đã thể hiện trước Czech và Ba Lan, Advocaat lẽ ra phải có điều chỉnh ở trận gặp Hy Lạp, khi ông vẫn còn Pavlyuchenko và Pogrebniak trên băng ghế dự bị. Kết quả là Nga không ghi được bàn nào, còn Kerzhakov rời giải với "kỷ lục" sút 14 quả trượt cả 4.
Ở một mức độ thấp hơn, người Ba Lan cũng có lý do để thấy thất vọng với tiền đạo chủ lực Lewandowski. Sau khi ghi bàn đầu tiên ở giải đấu năm nay, Lewandowski gần như mất tích trên hàng công của Ba Lan dù trận nào cũng được ra sân đủ 90 phút. Ở trận gặp CH Czech, chân sút số Một của Dortmund gần như không gây được ấn tượng nào trước hàng thủ đối phương. M.U, nếu chưa mua Lewandowski như tin đồn, nên cân nhắc lại trước khi rút tiền. Dù việc không có được sự hỗ trợ tốt nhất có thể là lý do Lewandowski không đáp ứng được kỳ vọng.
5. Giải tán phương án đồng chủ nhà?
Những gì đã diễn ra ở hai giải đấu gần nhất được tổ chức theo thể thức đồng chủ nhà có thể sẽ khiến UEFA phải xem lại xem có nên tiếp tục đi theo mô hình này nữa hay không. Ở EURO 2008, cả hai nước chủ nhà là Áo và Thụy Sỹ đều phải dừng cuộc chơi ngay từ vòng bảng. Thụy Sỹ chỉ được 3 điểm (sau chiến thắng 2-0 trong trận đấu thủ tục với BĐN ở lượt cuối) và đứng cuối bảng A. Còn Áo thì đứng thứ 3 bảng B với 1 điểm, xếp trên duy nhất... Ba Lan, một trong hai chủ nhà của giải đấu năm nay.
Với những gì đã thể hiện, Ba Lan cho thấy họ không xứng đáng được trao một suất dự giải. Đội bóng của HLV Smuda luôn thể hiện được tinh thần thi đấu quật cường, nhưng chất lượng chuyên môn thì chỉ ở mức trung bình kém. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với Ukraine, dù khác Ba Lan, đội bóng của Shevchenko đã có được 3 điểm sau chiến thắng trước Thụy Điển. Ở lượt cuối, Ukraine cần phải thắng Anh mới có hi vọng đi tiếp, mà đây rõ ràng không phải là một nhiệm vụ khả thi với Sheva và đồng đội.
Nguồn Bongaplus